Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, quy định Nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 4), là: (i) Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực. (ii) Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. (iii) Kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối và (iiii) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Với quy định này, chủ yếu người gây bạo lực gia đình phải chấp hành về nghĩa vụ (4 nghĩa vụ nêu trên), mà chưa đề cập đến trách nhiệm phải cai nghiện rượu, bia; trách nhiệm phải kiểm soát hành vi bạo lực gia đình, nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình mà trong đó được đề nghị cơ quan, tổ chức hỗ trợ để thực hiện các việc này. Để đảm bảo nghĩa vụ và trách nhiệm của người gây bạo lực gia đình, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) đã đề cập đến người gây bạo lực gia đình phải chấp hành dừng hành vi bạo lực gia đình theo yêu cầu của các thành viên trong gia đình và được đề nghị cơ quan, tổ chức hỗ trợ để thực hiện việc cai nghiện rượu, bia; trách nhiệm phải kiểm soát hành vi bạo lực gia đình, nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo hiện đang đề cập đến nội dung này như sau (Nghĩa vụ và trách nhiệm của người gây bạo lực gia đình): (i) Chấp hành dừng hành vi bạo lực gia đình theo yêu cầu của các thành viên trong gia đình. (ii) Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. (iii) Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. (iiii) Chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại cho người bị bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật và (iiiii) Được đề nghị cơ quan, tổ chức hỗ trợ cai nghiện rượu bia, hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình, nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.