Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế rằng phụ nữ dân tộc thiểu số ít nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Nữ cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 23,79% tổng số cán bộ công chức các xã vùng dân tộc thiểu số.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thúy Chuyên gia tư vấn của UN Women, kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội càng thấp và càng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số càng thấp.
Ở các xã vùng dân tộc thiểu số trong cả nước hiện có gần 426.000 đảng viên là người dân tộc thiểu số, trong đó nữ Đảng viên người dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 30%.
Bà Nguyễn Thị Tư cho biết, dựa trên cũng kết quả nghiên cứu, khảo sát Ủy ban Dân tộc đang xây dựng dự thảo Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
Để thực hiện được các mục tiêu của đề án, các chuyên gia cho rằng cần phân tích một cách hệ thống các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số. Điều này sẽ giúp việc xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững, đáp ứng được như cầu phát triển thực sự của phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam nhấn mạnh: “Việc lồng ghép phát triển dân tộc thiểu số trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đáp ứng được các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc”.