Qua nghiên cứu cho thấy gia đình Việt Nam đang theo xu hướng hạt nhân hóa, giảm dần về quy mô, nhất là ở khu vực hiện đại như đô thị. Năm 2009, trung bình có 3,66 người/hộ, trong đó, đô thị là 3,78 người/hộ và nông thôn là 3,84 người/hộ. Năm 2019, quy mô giảm xuống còn 3,6 người/hộ (chung), 3,4 người/hộ (đô thị) và 3,6 người/hộ (nông thôn) (TCTK, 2019). Nghiên cứu này cho xu hướng tương tự, gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái, hoặc ông bà với cháu, hoặc chỉ hai vợ chồng chiếm đa số. Gia đình hạt nhân có xu hướng tăng mạnh hơn ở các khu vực đô thị.
Điều đáng lưu ý là, mong muốn sống chung nhiều thế hệ không còn mang tính phổ biến. Số lượng người cao tuổi (NCT) sống riêng ngày càng tăng cao. NCT mang nhiều đặc điểm hiện đại hóa như sống ở khu vực đô thị có mong muốn sống riêng cao hơn nhiều so với những người ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ những người trẻ sống trong gia đình nhiều thế hệ ở thành thị cao hơn và có xu hướng ngược lại ở những người lớn tuổi hơn do sức ép nhà ở thành phố, di cư nông thôn-đô thị (Trần Thị Minh Thi, 2021). Đây là một thay đổi lớn so với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong lịch sử.