Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt trong cơ cấu của xã hội. Tiếp cận từ góc độ xã hội học, chủ yếu nhấn mạnh tới hình thức tổ chức và tầng bậc các mối quan hệ, thì gia đình là một thiết chế văn hóa-xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên. Còn tiếp cận từ góc độ luật học thì khái niệm gia đình đề cập tới mối quan hệ cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo quy định của luật pháp: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của luật hôn nhân và gia đình” (Điều 6 – Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Từ các cách tiếp cận trên, có thể nhận thấy, mặc dù khái niệm gia đình được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng luôn thể hiện được những yếu tố cốt lõi của gia đình: (i) Gia đình là nơi duy trì nòi giống, tái tạo ra các thế hệ và ngày càng hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; (ii) Gia đình là một môi trường giáo dục quan trọng đầu tiên, là nơi để mỗi cá nhân được sinh ra, được nuôi dưỡng, được giáo dục và từng bước hình thành, hoàn thiện nhân cách, đạo đức; (iii) Gia đình là một kết cấu bền chặt với sự gắn kết giữa các thành viên để thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người; là môi trường có tính chất quyết định việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.
Vì vậy, gia đình và các mối quan hệ gia đình luôn được xem là thiết chế quan trọng, là cốt lõi của hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội; và ngược lại, những thay đổi lớn của xã hội cũng ảnh hưởng và chi phối trực tiếp tới các giá trị gia đình. Cụ thể hơn, trong mỗi gia đình, những giá trị về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc, văn hóa, kinh tế, giáo dục, v.v. đã và đang được giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, bảo đảm cho dòng chảy bền vững của xã hội. Mặt khác, trong từng gia đình, mỗi thành viên được hình thành và phát triển nhân cách nhờ vai trò chủ đạo của giáo dục, bao gồm giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội; trong đó, giáo dục gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là môi trường văn hóa đầu tiên của mỗi cá nhân; đồng thời là giá trị cốt lõi của văn hóa xã hội với hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, gắn liền với những điều kiện cụ thể của tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội.