Loài người được tiến hóa từ giới động vật cấp cao, thông qua trí tuệ và lao động mà dần dần tiến bộ, phát triển thành con người hiện đại. Nhà triết học Pháp Pascal nói: Con người là một cây sậy, loài yếu đuối nhất trong tự nhiên, nhưng đó là một cây sậy biết suy tưởng. Lúc đầu con người cũng sống theo bản năng tự nhiên: Hái lượm, săn bắn và hoàn toàn nhờ vào những cái có sẵn chung quanh, tự cung, tự cấp và thường xuyên phân tán… Sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm thúc đẩy con người động não, suy nghĩ sáng tạo. Họ tạo ra các công cụ lao động giúp cho việc hái lượm săn bắn hiệu quả hơn. Con người thấy cần phải có dự trữ thức ăn nên đã sáng kiến việc trồng lúa, hoa màu, thuần hóa các súc vật. Người Việt cổ đã hình thành và tiến triển theo cách như vậy từ hàng trăm nghìn năm cho đến cách ngày nay khoảng 3.000-4.000 năm.
Công cụ lao động ngày càng tinh vi thì sức sản xuất ngày càng tăng, con người đã biết dự trữ của cải do mình làm ra. Do đó con người đã biết sống tập trung thành từng nhóm để giúp đỡ nhau, hình thành nên bầy người nguyên thủy, mà hình thức đầu tiên gồm những thành viên có cùng một mẹ sinh ra. Người phụ nữ có thể có nhiều chồng và ngược lại một người đàn ông có thể có nhiều vợ, sinh ra chế độ tạp hôn, quần hôn. Người đàn ông có sức vóc khỏe mạnh lo việc chế tạo công cụ và lao động sản xuất, còn người phụ nữ quản lý toàn bộ gia đình, trông nom con cái và phân phối của cải.
Khi đồ đồng, đồ sắt xuất hiện, con người đã biết sử dụng sức kéo trâu, bò cày ruộng, lương thực ngày càng dồi dào, bầy người ngày càng đông đảo, cần phải tách ra từng nhóm nhỏ nhưng vẫn giữ quan hệ gắn bó với nhau. Chế độ quần hôn tan rã dần và gia đình đã bắt đầu hình thành trong xã hội thị tộc – bộ lạc. Chế độ một vợ một chồng xuất hiện, người phụ nữ vẫn giữ vai trò chủ chốt, con sinh ra chỉ biết có mẹ, như truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh một trăm người con và tách ra một nửa theo mẹ lên rừng, một nửa theo cha xuống biển. Người con cả được mẹ chọn làm vua và hình thành nên nhà nước Văn Lang của 18 đời vua Hùng (Hùng Vương – cùng An Dương Vương Thục Phán hình thành nên nhà nước Âu Lạc. Chế độ phụ hệ hình thành với nhà nước Văn Lang được xem như một nước gia tộc do ông bố cầm đầu (Bố Vua Hùng). Chế độ hôn nhân hình thành, gia đình người Việt xuất hiện và đã có các từ xưng hô như Bố, Mẹ, con cái…Gia đình, theo từ nguyên chữ Hán, Gia: Nhà; Đình: Sân; Gia đình: Dùng để chỉ những người thân thuộc trong nhà, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, là những người sống chung với nhau trong một mái nhà, cùng sinh hoạt với nhau trong một khoảnh sân, giúp đỡ nhau làm một công việc nào đó, như chăn nuôi gia súc, trồng trọt, dệt vải, v.v…
Gia đình truyền thống dần dần được chia ra làm hai loại hình theo qui mô tổ chức, là tiểu gia đình và đại gia đình. Tiểu gia đình thường gồm hai thế hệ trực tiếp là cha mẹ và con cái. Thế hệ liền trên là ông bà cùng sống là Tam đại đồng đường, hay cả thế hệ liền dưới (cháu), gọi là Tứ đại đồng đường (bốn đời cùng sống trong nhà). Từ tiểu gia đình, mở rộng ra mối quan hệ trong thân tộc thành đại gia đình (bên nam/nội) cùng chung một hai đời trên. Dù không cùng chung một nhà, không mật thiết như trong tiểu gia đình, nhưng cũng có sức mạnh đủ để chi phối mọi hoạt động các thành viên về tình cảm làm phát sinh tinh thần gia tộc Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Gia đình nhỏ phát triển đi lên, càng qua thời gian càng đông đúc, tạo nên một gia đình lớn hơn, người ta gọi là họ tộc. Nhà thờ họ chi, phái, đại tôn là nơi liên lạc, tập trung những thành viên cùng huyết thống, chung một tổ tông. Ngày giỗ chạp – giỗ Tổ là để biểu hiện ý thức Uống nước nhớ nguồn. Ngày trước, mỗi đại gia đình (cùng họ nội tộc) thường quần tụ với nhà trên một địa bàn, lập thành một làng, xã (rõ nét ở các làng Miền Bắc). Các tên địa danh có gắn với dòng họ theo công thức: Tộc danh + Xá (chữ Nôm là Nhà + Họ), như Ngô Xá (nhà Ngô), Đào Xá (nhà Đào), Phùng Xá (nhà Phùng), Hồ Xá (nhà Hồ), v.v… Các họ tộc quần cư với nhau mới hình thành nên xã hội và quốc gia.
Mỗi một người khi sinh ra đều có họ và tên khai sinh, hoặc tên thường gọi, họ và tên khai sinh được chỉ định cụ thể của một con người từ khi sinh ra cho đến khi qua đời. Thời phong kiến, mỗi người còn có tên tự, tên hiệu, tên thụy để chỉ sự trưởng thành, sự nghiệp thành đạt và để cúng cơm. Họ của mỗi người gắn liền với dòng tộc của người đó, mang tính huyết thống, tính di truyền, nên có sự kiêu hãnh, tự hào của một cộng đồng dòng tộc, là đặc trưng tiêu biểu của xã hội. Mệnh đề Họ – Hàng, từ xưa như một sự định vị: Đã là họ phải có hàng. Nó mang ý nghĩa là tính trật tự xã hội và sự kế tiếp có trước, có sau, có trên, có dưới, cũng là tôn tri trật tự để hình thành và tạo ra nề nếp gia phong của gia đình, dòng họ.