Gia đình được khẳng định như là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Tuy nhiên hiện nay, quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến gia đình, tạo nên những thách thức tiềm ẩn làm biến đổi sâu sắc đối với gia đình trên nhiều phương diện.
Để hạn chế tối đa sự xói mòn giá trị của gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội, trong đó xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội trong tuyên truyền vận động người dân tham gia, đó là:
Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng các cấp đối với công tác gia đình. Trong đó đề xuất các cấp ủy quan tâm:
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tiếp tục xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các Nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tăng cường công tác lãnh đạo kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đáp ứng yêu cầu quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực trong quản lý, bồi dưỡng, cung cấp nội dung về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình; nâng cao năng lực của cán bộ, cơ quan có liên quan trong lồng ghép, phối hợp thực hiện.
Lãnh đạo chính quyền quan tâm một cách thiết thực và toàn diện hơn nữa đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người để xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững”.
Thứ hai: Chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo thực hiện công tác gia đình. Trong đó đề xuất các cấp chính quyền quan tâm:
Tiếp tục xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó đề ra những việc cụ thể sát hợp với tình hình địa phương để giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình như phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi truỵ; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình: có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình chính sách, gia đình các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình đang gặp khó khăn; tăng cường hỗ trợ để các hộ thoát nghèo bền vững;
Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội…
Tập trung công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình; Chính sách, chương trình về an sinh xã hội; Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); Xây dựng mô hình can thiệp, địa chỉ tin cậy PCBLGĐ trong cộng đồng dân cư.
Khuyến khích nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, PCBLGĐ, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và cộng đồng để từ đó hạn chế được tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội.
Tạo điều kiện để các thành viên trong hộ gia đình dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, giúp con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần.
Chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình cho phụ huynh; nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.
Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp hoạt động có hiệu quả: Tổ chức tốt các hoạt động nhân các sự kiện: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20 tháng 3); Ngày Gia đình Việt Nam (28 tháng 6); Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25 tháng 11); nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình,vi phạm pháp luật về gia đình, khuyến khích mọi cá nhân tổ chức có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Tăng cường các dịch vụ, mô hình và hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Chỉ đạo các ngành văn hóa thông tin, truyền thông tận dụng sức ảnh hưởng của các thần tượng showbiz thông qua giao lưu trực tuyến, phim ảnh, clip ca nhạc, clip hài …để tuyên truyền có hiệu quả các Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em, Luật Người cao tuổi; nâng cao nhận thức của xã hội nhất là giới trẻ về tầm quan trọng của gia đình và giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.
Thứ ba: Các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:
Đẩy mạnh truyền thông thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng vào đối tượng nam giới; nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những hủ tục ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả tiêu cực về mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội; chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm độc hại tác động vào gia đình.
Thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Vận động gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; phê phán lối sống thực dụng ích kỷ, tệ nạn xã hội đang ảnh hưởng tới gia đình, bạo lực gia đình, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác gia đình để có khả năng chuyển tải đến cộng đồng các kiến thức, kỹ năng về hôn nhân gia đình, giáo dục đời sống gia đình và giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình qua đó giúp người dân hiểu và thực hành các khái niệm: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Xã hội hóa các hoạt động phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển gia đình, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức, dòng họ, cá nhân, đặc biệt là nam giới vào việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện, cơ hội cho các thành viên gia đình nâng cao nhận thức và thực hiện các hoạt động liên quan; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.
Duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, tổ nhân dân tự quản, câu lạc bộ liên thế hệ thật sự hiệu quả.
Để từng gia đình là hạt nhân tốt của xã hội, ngoài vai trò Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội thì vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng và có tính quyết định. Toàn xã hội quan tâm đến công tác xây dựng gia đình, nhưng từng gia đình và các thành viên biết quan tâm đến nhau, sống có trách nhiệm mới là xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững