Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn vừa có Báo cáo số 362/BC-UBND gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Thực hiện Công văn số 2400/BVHTTDL-GĐ ngày 26/6/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010 – 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Báo cáo kết quả thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.
Ngay sau khi Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 22/07/2013 về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Kế hoạch hành động số 35/KH-UBND ngày 05/4/2013 về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước”, Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 06/9/2014 về thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, các ngành thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình và các sở, ngành, đoàn thể tỉnh đã tham mưu, ban hành các văn bản theo lĩnh vực quản lý, với tổng số trên 300 văn bản tổ chức thực hiện các vấn đề công tác gia đình.
Kết quả đạt được của Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; các chính sách an sinh xã hội song hành với lồng ghép các vấn đề phát triển gia đình, giáo dục đời sống văn hóa trong gia đình đã tạo điều kiện để người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi tiếp cận được các chương trình, các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch,… góp phần thay đổi được nhận thức của người dân trong việc chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc phát triển bền vững. Những kết quả của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự ổn định phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, mang lại kết quả thiết thực và ngày càng được lan tỏa, thu hút ngày càng đông quần chúng Nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình phát triển bền vững trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam còn những hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền còn chưa thật sự quan tâm trong việc quán triệt, triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các Chương trình, Đề án về công tác gia đình đến với người dân; công tác truyền thông vận động thay đổi hành vi đến với mọi người dân còn hạn chế, nhất là công tác truyền thông trong việc tăng cường các bài viết, thông tin trên các phương tiện truyền thông do ngành thông tin truyền thông chủ trì chưa phát huy hiệu quả cao trong việc tuyên truyền đến mọi người dân được tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách về gia đình, PCBLGĐ, bình đẳng giới… trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về ứng xử, giao tiếp, lối sống giữa các thành viên trong gia đình, nhất là trong việc chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh sự xuống cấp về đạo đức, một số giá trị truyền thống đang dần phai nhạt và có sự biểu hiện của lối sống thực dụng, ích kỷ cá nhân. Từ đó, dẫn đến các vụ bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
Công tác giáo dục đời sống gia đình được triển khai ở nhiều nhóm đối tượng và địa bàn dân cư có nhiều biến đổi tích cực nhưng chưa đồng bộ và một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Các loại hình CLB về gia đình được duy trì và phát triển về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế (vì nhiều lý do: kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, nội dung sinh hoạt và hình thức tổ chức chưa phong phú).
Một số chỉ tiêu, mục tiêu chưa thể định lượng được tỷ lệ phần trăm hoặc con số cụ thể, vì những chỉ số không thể định lượng, do vậy đối với một số chỉ tiêu, mục tiêu chỉ mang tính ước lượng.
Cán bộ làm công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở còn thiếu kinh nghiệm về công tác gia đình do kiêm nhiệm nhiều việc, việc chỉ đạo thực hiện các mô hình điểm còn lúng túng, hiệu quả đạt được chưa cao. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác gia đình còn ở mức thấp, một số cấp huyện, cấp xã chưa được bố trí kinh phí hoạt động.