Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng” tuy nhiên cần lưu ý: (i) rà soát để bảo đảm tương thích và phù hợp với các điều ước quốc tế, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (ii) loại trừ một số đối tượng; (iii) có quy định về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phù hợp; (iv) quy định về cách thức tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp “hành động vì lợi ích cộng đồng” hay “lao động công ích” vì cần lưu ý nếu quy định là “lao động công ích” là trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo nhận thấy rằng:
Quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.
Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, cơ quan soạn thảo cũng nhận thấy, “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức (Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và Công ước số 105 về Xoá bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Điều 2 Công ước số 29 quy định những dịch vụ của thôn xã vì lợi ích trực tiếp của cộng đồng và do những thành viên của cộng đồng đó thực hiện với điều kiện những thành viên của cộng đồng đó hoặc người đại diện của họ được tham khảo ý kiến về sự cần thiết của những công việc đó thì không phải là “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc”. Nói cách khác, người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện những công việc phục vụ lợi ích cho cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cộng đồng và do cộng đồng quyết định thì không phải là lao động cưỡng bức.
Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như quy định tại Điều 33 dự thảo Luật.