Ngày 02 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đã xây dựng Báo cáo số 265/BC-SVHTTDL về việc báo cáo Kết quả 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Theo Báo cáo việc thực hiện Đề án đã đem lại sự hiểu biết, nâng cao nhận thức, góp phần chuyển biến hành vi, có hiệu quả và lợi ích thiết thực đối với người dân ở mọi lứa tuổi trên địa bàn tỉnh. Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 91,5% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 88,5% số làng, tổ dân phố văn hóa. Các tổ hòa giải tại các thôn/khu phố, xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh được củng cố, duy trì, hoạt động có hiệu quả. Hoạt động của đề án kết hợp với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con trung hiếu, cháu thảo hiền” thông qua các buổi sinh hoạt các thành viên đã vận động giáo dục và tự giáo dục trong gia đình, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và giúp nhau làm giàu chính đáng.
Vấn đề bình đẳng giới, quyền con người cũng dần được coi trọng; Các mâu thuẫn trong gia đình, trong làng xóm được hạn chế. Đặc biệt người phụ nữ đã dần nhận thức được vai trò của mình trong gia đình và xã hội, biết tìm đến chính quyền và các đoàn thể để được tư vấn, được bảo vệ khi xảy ra bạo lực trong gia đình. Các làng đã bổ sung thêm 1 chương trình vào quy ước để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới được các tầng lớp nhân dân đồng tình và cam kết thực hiện. Những nét đẹp văn hóa được giữ vững, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó bền chặt; những giá trị đạo đức truyền thống quý báu trong gia đình được phát huy, nhiều gia đình đã biết khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái học tốt…đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam còn có những khó khăn như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa sâu sát, việc tổ chức thực hiện tuyên truyền, quán triệt Đề án ở một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung công tác gia đình nói chung và Đề án nói riêng có lúc, có nơi chưa kịp thời, đồng bộ ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ thực hiện. Kinh phí còn hạn chế…