Nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam là những chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống, cách ứng xử của các thế hệ gia đình được hình thành trong lịch sử và được truyền từ đời này sang đời khác. Thực chất đó là những nét văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử, được cộng đồng, xã hội cũng như từng gia đình thừa nhận, hướng tới, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng: “Trải qua bao biến động, thay đổi của thời cuộc, những truyền thống tốt đẹp của gia đình đã kết tinh thành hệ giá trị mang tính bền vững, đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn; là tình yêu thương, sự đùm bọc, chở che; là truyền thống hiếu học, trọng danh dự…” (Nguyễn Huy Phòng, 2021, tr.30). Suốt quá trình phát triển, gia đình Việt Nam đã hình thành nên nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó nổi bật là sự thương yêu và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng; cha mẹ nhân từ, con cháu hiếu thảo; ông bà gương mẫu con cháu hiếu thảo; anh chị em yêu thương, hòa thuận, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau; truyền thống yêu nước; đoàn kết cộng đồng; tôn sư trọng đạo, hiếu học… cùng với các phong tục, tập quán trong cưới xin, ma chay, giỗ tết… Những nét đẹp này là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, được vun đắp qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ, tạo sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên, các thế hệ, khiến cho dòng chảy văn hóa gia đình truyền thống không bị đứt đoạn mà luôn có sự tiếp nối thường xuyên, liên tục. Bởi vậy, trước tác động đa chiều của xã hội hiện đại, nhất là tác động của hội nhập quốc tế, cần tiến hành bảo tồn nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau nhằm giữ gìn, lưu truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, tạo nền tảng xây dựng gia đình hiện đại. Hoạt động này là trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội mà thường xuyên, trực tiếp là các cơ quan chức năng đảm nhiệm công tác gia đình, công tác văn hóa ở các cấp và mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 20/02/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. Đến năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, trong đó xác định tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; và các tiêu chí ứng xử với từng mối quan hệ gia đình là: vợ chồng thủy chung, nghĩa tình; ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, yêu thương con cháu; con cháu phải hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà; anh, chị, em phải hòa thuận chia sẻ. Trên cơ sở Bộ tiêu chí ứng xử này, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện thí điểm nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Đến đầu năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai hoạt động thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm vận động các hộ và thành viên trong gia đình hiểu và thực hiện ứng xử văn hóa gia đình, nhiều giá trị truyền thống gia đình được khơi gợi, củng cố và phát huy mạnh mẽ.
Thực tế cho thấy, mặc dù gia đình Việt Nam đang có sử chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại, nhưng những nét đẹp truyền thống vẫn tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và lan tỏa trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều công trình khoa học gần đây, đại đa số người Việt Nam vẫn coi trọng gia đình; gia đình là một tổ ấm yêu thương, một phần thiêng liêng không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người. Trong đó, “Các giá trị truyền thống được coi trọng và ưu tiên lựa chọn nhiều hơn giá trị hiện đại. Tính riêng các giá trị truyền thống thì những giá trị có cội nguồn từ văn hóa bản địa có sức sống trường tồn hơn các giá trị vay mượn từ bên ngoài” (Lê Ngọc Văn, 2016, tr.129). Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn những người được hỏi khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, 80,5% số người chưa kết hôn cho biết sẽ “kết hôn, có gia đình”, 46,2% cho rằng “thanh niên đến tuổi trưởng thành phải lập gia đình”; tỷ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý (Trần Thị Minh Thi, 2020). Trong mỗi gia đình, các chuẩn mực đạo đức truyền thống vẫn được thực hiện, các ứng xử văn hóa vẫn được thực hiện trên cơ sở tình nghĩa, yêu thương, chia sẻ và trách nhiệm. Tình nghĩa gia đình là một nét đẹp văn hóa nổi bật của gia đình Việt Nam, chuẩn mực cao nhất của gia đình không phải là sự giàu sang, không phải là tiền bạc mà là tình cảm gia đình.
Cùng với việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ gia đình, đa số các gia đình Việt Nam hiện nay luôn đề cao ý thức cộng đồng, chú trọng đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội. Phần lớn các gia đình luôn coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc, trọng tình nghĩa, sống chan hòa trong tình làng, nghĩa xóm,… Hầu hết các gia đình vẫn luôn chú trọng gìn giữ, vun đắp tình làng nghĩa xóm, sống có trách nhiệm với cộng đồng và thực hiện tốt nghĩa vụ với Tổ quốc. Gia đình gắn bó mật thiết với cộng đồng và Tổ quốc trở thành nét văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực tinh thần to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, mỗi gia đình Việt Nam luôn chú trọng gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, đề cao truyền thống hiếu học, đạo lý tôn sư trọng đạo, lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người; chú trọng giáo dục đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và ý chí khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mỗi gia đình không chỉ rèn luyện thói quen, khả năng phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng trong lao động mà còn giáo dục cho con cháu biết quý trọng thành quả lao động, có đức tính cần cù, chịu khó, từ đó rèn luyện tính tự lập, tự giác của con cháu, giúp thế hệ trẻ ngày càng trưởng thành hơn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Các bậc ông bà, cha mẹ luôn răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, biết giữ gìn hòa khí, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ, gắn bó với làng xã, đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nhiều gia đình đã quan tâm thực hiện các nghi lễ gia đình vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa gia đình được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách con người và gìn giữ, phát huy cốt cách của con người Việt Nam, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế, đã xuất hiện những biểu hiện về cách sống, lối sống xa lạ, trái với giá trị chuẩn mực xã hội, mưu lợi ích cá nhân, đề cao các giá trị vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần, chà đạp lên khuôn mẫu, giá trị văn hoá đích thực ở một bộ phận trong các tầng lớp, các thành phần xã hội. Lối sống, cách sống xa lạ, trái với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam đã và đang xâm nhập vào đời sống của nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ. Nhiều sản phẩm văn hoá ra đời vội vã, chạy theo lợi nhuận và hiệu quả thương mại hoặc chiều theo thị hiếu tầm thường, quay lưng lại với những giá trị tinh thần cao đẹp, tạo ra những chướng ngại cho việc nâng cao mặt bằng dân trí. Văn hoá hình chiếm lĩnh hết cả không gian và thời gian, uy hiếp văn hoá đọc, văn hoá chữ, tạo cho thanh thiếu niên sức ỳ và sự lười biếng. Nhiều người bị trói chặt vào màn hình, màn số, mải mê với thú vui ẩm thực, nhạc mới, thời trang… mà quên đi những lĩnh vực tinh thần phong phú và đa dạng có chiều sâu văn hoá. Hậu quả của những tác động tiêu cực đó dẫn tới một bộ phận trong các tầng lớp, thành phần xã hội thiên về mưu cầu lợi ích cá nhân đã chà đạp lên những khuôn mẫu, những giá trị đạo đức đích thực của xã hội. Không ít người trong lớp trẻ hiện nay có tâm lý học đòi cách sống thực dụng, buông thả, sùng bái đồng tiền, tiêu dùng phương Tây, quay lưng lại với văn hoá, đạo đức truyền thống. Những phong tục tập quán được coi là thuần phong mỹ tục, nay được thế hệ trẻ coi là “cổ hủ”, lỗi thời. Sự thâm nhập của văn hóa độc hại, của sự lai căng văn hóa, của lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kinh tế thị trường, đã và đang ảnh hưởng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Hội nhập quốc tế cùng với đô thị hóa tăng nhanh làm cho quan hệ xã hội của các thành viên gia đình và của các gia đình ngày càng rộng hơn, đồng thời làm thu hẹp các quan hệ họ tộc, láng giềng. Sự gắn kết của các thành viên trong gia đình ngày nay lỏng lẻo, thiếu tính bền vững hơn trước. Văn hóa gia đình thiếu ổn định và thống nhất, hạnh phúc gia đình trở nên mỏng manh, cấu trúc gia đình dễ bị đỗ vỡ hơn, chuẩn mực đạo đức truyền thống bị xem nhẹ, những hiện tượng lệch chuẩn có xu hướng gia tăng. Những hiện tượng như quan hệ tình dục trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, sống thử, kết hôn muộn, sống độc thân, ly hôn, ly thân không ngừng tăng lên và có tính đột biến. Trong quan hệ cha mẹ và con cái thì từ, hiếu cũng có những biểu hiện theo nhiều chiều hướng. Nhiều cha mẹ mải miết kiếm tiền mà quên đi sự dạy dỗ con cái, thời gian dành cho con không nhiều và thường phó mặc cho nhà trường, xã hội, người giúp việc… Điều đó khiến con cái lớn lên thiếu hụt những giá trị mà không dễ gì bù đắp được. Nhiều người con báo hiếu cha mẹ đầy đủ, nhưng cũng không ít người con bất hiếu làm đau lòng những bậc sinh thành và cả xã hội phải suy ngẫm. Trong quan hệ anh em, hoà thuận, đễ cũng có những thay đổi. Đôi khi, vì giá trị vật chất mà người ta quên đi tình nghĩa anh em; vì tiền bạc, đất đai, thừa kế mà anh chị em có thể chém giết lẫn nhau để tranh giành của cải, những chuyện đau lòng đó đang tạo nên mảng tối trong giá trị đạo đức của gia đình, xã hội. Quan hệ trong nhiều gia đình trở nên gay gắt, tình cảm sứt mẻ, gia đình không còn là tổ ấm, đảm bảo an toàn cho sự phát triển trí tuệ, tình cảm, đạo đức, thể lực của các thành viên, đặc biệt là lớp trẻ.
Mặt trái của biến đổi xã hội và giao lưu văn hóa, thông tin cũng ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa gia đình hiện nay. Nếu trước đây, mỗi người chỉ biết đến một số lượng ít ỏi công việc của mình theo sự phân công của Nhà nước, thì ngày nay, ngoài lĩnh vực công việc cụ thê của mình, mọi người có điều kiện đê tham gia các hoạt động làm ăn khác, và những áp lực công việc đương nhiên sẽ làm giảm đi một cách đáng kê về thời gian và tâm lực của cá nhân dành cho gia đình. Ngoài ra, sự xuất hiện nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, nhiều tụ điểm hưởng thụ cũng khiến người ta dành ít hơn thời gian và sự quan tâm đối với gia đình. Thay vì hết giờ làm việc, trở về chăm lo cho gia đình, thì rất nhiều người đã dành thời gian cho sân chơi thể thao hoặc tiệc tùng. Cũng có không ít phụ nữ hăng say và bận bịu với các mối quan hệ công sở, đối tác, cũng thường xuyên vắng nhà bởi những chuyến công tác dài ngày, những chuyến du lịch, hoặc đi sớm về muộn; hoặc dành thời gian cho những buổi tiệc tùng, sân chơi thể thao, siêu thị, sàn nhảy… Và như vậy, sau thời gian làm việc, các thành viên trong gia đình thường tham gia vào các hoạt động giải trí bên ngoài khuôn khổ gia đình, khiến cho một số gia đình khôngthật sự là một tổ ấm theo đúng nghĩa của nó. Đó là một hiện tượng đáng lo ngại đang diễn ra trong các gia đình hiện nay.
Trước đây, không gian sinh hoạt gia đình chủ yếu trải theo chiều rộng, trên một mặt bằng, thì ngày nay, với sự chật hẹp của đất đai, không gian sinh hoạt của các gia đình chuyển dần sang chiều cao, mỗi người một phòng riêng, sự tự do cá nhân được tôn trọng. Tuy nhiên, cũng chính điều đó đã làm cho mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ với con cái trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, xa cách hơn, xu hướng độc lập của các hộ gia đình trẻ đang ngày một gia tăng. Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mối quan hệ vợ chồng hiện nay, có những lúc, những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu, có khi chỉ còn là sự gắn kết về tiền bạc “Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp làm mọi việc trái với luân thường đạo lý. Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến“ (Hà Nhung, 2018). Trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, ông bà với cháu, có không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo cho thế hệ tương lai và cũng có không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm với cha mẹ, ông bà, bất hiếu, bất nghĩa. Quan hệ anh em cũng nảy sinh những bất ổn, có khi chỉ vì đồng tiền, vì những lợi ích nhỏ nhoi, tầm thường mà đánh mất tình nghĩa anh em ruột thịt. Những hiện tượng đó không chỉ cản trở quá trình xây dựng, phát triển của gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách con người Việt Nam hiện đại.