Nhiệm vụ tuyên truyền được cho là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn các tỉnh vùng sâu vùng xa, các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả tích cực. Có được điều đó là nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do đặc thù vùng miền.
Theo Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời và bạo lực gây ra trong 12 tháng qua đều có sự khác biệt đáng kể giữa các dân tộc.
Theo báo cáo tóm tắt chính sách: “Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) công bố vào tháng 8/2021 cho thấy: Bạo lực ở phụ nữ dân tộc thiểu số dưới dạng kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế nhiều hơn so với phụ nữ Kinh, nhưng có tỷ lệ bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần thấp hơn. Cụ thể:
Có đến 33,8% phụ nữ dân tộc thiểu số bị kiểm soát hành vi và 24,1% phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời, trong khi tỷ lệ tương ứng ở nhóm phụ nữ Kinh chỉ là 26% và 19,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực thể xác/bạo lực tình dục hay bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra trong đời lần lượt là 29,4% và 43,7%, thấp hơn phụ nữ Kinh (32,7% và 47,7%).
Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục do chồng/bạn tình gây ra trong đời (29,4%) và trong 12 tháng qua (8,3%) đều thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 32,0 và 8,9%) và thấp hơn phụ nữ Kinh (lần lượt là 32,7% và 8,3%). Đặc biệt một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước như Mông (lần lượt là 12,2% và 4,8%), Khơ me (lần lượt là 14,6% và 5,9%), Thái (lần lượt là 17,4% và 4,9%) và Mường (lần lượt là 20,3% và 4,9%). Tuy nhiên cũng có một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục rất cao như Nùng (lần lượt là 42,8% và 25,8%).
Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra trong đời (43,7%) và trong 12 tháng qua (20,4%) đều thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 47,0 và 19,3%) và thấp hơn phụ nữ Kinh (lần lượt là 47,7% và 19,2%). Phụ nữ Mông có tỷ lệ bị bạo lực tinh thần thấp nhất, trong đời là 21,9% và trong 12 tháng qua là 5,8%. Tỷ lệ cao nhất nằm ở nhóm phụ nữ dân tộc Nùng với hơn một phần ba (34,9%) phụ nữ bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua.
Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số bị kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời (33,8%) và trong 12 tháng qua (17,4%) lại cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 27,3 và 12,9%) và phụ nữ Kinh (lần lượt là 26,0% và 12,0%). Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Mông (54,7% trong đời và 25,6% trong 12 tháng qua) và dân tộc Dao (51,3% trong đời và 32,0% trong 12 tháng qua), mặc dù hai nhóm này có tỷ lệ trung bình về bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra thấp hơn.
Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời (24,1%) và trong 12 tháng qua (16,4%) đều cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 20,6 và 11,5%) và phụ nữ Kinh (lần lượt là 19,9% và 10,5%). Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Dao 45,8% trong đời và 28,6% trong 12 tháng qua.
Từ những con số biết nói trên đặt ra cho Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách xã hội và cộng đồng cần đưa ra những giải pháp để khắc phục trình trạng bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, để từ đó góp phần từng bước ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực gia đình.