Thời gian qua, đa số vụ việc xảy ra đối với trẻ em bắt nguồn từ gia đình; do đó, trước hết, những người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phải thượng tôn pháp luật. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần kiên trì, dành nhiều thời gian cho trẻ em, chủ động học hỏi, trang bị cho bản thân kỹ năng làm cha, mẹ, tránh giáo dục con bằng biện pháp trừng phạt, đánh, mắng…
Đối với những người sống xung quanh, không nên nghĩ “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, mà cần phát huy trách nhiệm công dân trong vấn đề bảo vệ trẻ em. Theo quy định của pháp luật, danh tính của người phản ánh, tố giác được bảo mật. Qua xác minh, thông tin phản ánh không đúng, thì người phản ánh thông tin về trẻ em không bị mắc tội vu khống hay cung cấp thông tin sai sự thật. Vì thế, khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột, người dân cần lên tiếng phản ánh, tố cáo, tố giác…
Với lực lượng chức năng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cơ quan, đơn vị cần vào cuộc bảo vệ trẻ em theo hướng khẩn cấp, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi đến Tổng đài quốc gia về trẻ em 111 hoặc 113. Ngoài tiếp nhận thông tin, Tổng đài 111 còn tiếp tục theo dõi, giám sát, tư vấn. Nếu cơ quan chức năng chưa can thiệp, Tổng đài 111 sẽ đôn đốc. Bên cạnh đó, người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng của địa phương, các tổ chức, đoàn thể hoặc phản ánh với chính quyền cơ sở, với các cơ quan điều tra, cơ quan có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em…
Nhìn chung, Nghị định số 130/2021/NĐ-CP cùng với khung pháp lý bảo vệ trẻ em trước đó đi sâu vào đời sống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em từ cơ sở, tăng tính răn đe, có tác dụng phòng ngừa hành vi bạo lực đối với trẻ em. Đơn cử như vụ việc cháu bé 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra mới đây, nếu những người xung quanh tố cáo sớm, thì không chỉ cháu bé được cứu sống, mà bố nạn nhân và người “mẹ kế” có thể sẽ nhận mức án nhẹ hơn.