1. Thông tin về Hội nghị
Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 07 năm 2008.
Sau 10 năm thi hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề án “Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ” trình Chính phủ vào năm 2022, để có cơ sở xây dựng dự án Luật, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ.
Thời gian tổ chức: Ngày 12 tháng 12 năm 2018.
Địa điểm: Số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Chủ trì Hội nghị: Lãnh đạo Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thành phần tham dự: Lãnh đạo Chính phủ; các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức quốc tế; các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt, có sự tham gia của những cá nhân điển hình trong PCBLGĐ ở cộng đồng.
Trình bày tại Hội nghị là báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thi hành Luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ý kiến tham luận từ tổ chức quốc tế, các cơ quan Trung ương và địa phương.Hội nghị còn có tham luận của đại diện nhà khoa học, bác sỹ, luật sư trực tiếp thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân BLGĐ, người từng gây BLGĐ về sức khỏe và tư vấn pháp lý,nhằm thay đổi nhận thức về phòng, chống BLGĐ.
2. Tóm tắt nội dung kết quả 10 năm thi hành Luật
Qua các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ công tác PCBLGĐ đã đạt được những kết quả tích cực đặc biệt là công tác truyền thông và các hoạt động tại cộng đồng.
Tổng hợp báo cáo của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong 10 năm qua cho thấy, các cơ quan, tổ chức đã biên soạn và phân phối hàng triệu tờ rơi, tờ gấp; tranh cổ động, áp phích và tài liệu tuyên truyền liên quan tới xây dựng gia đình; Tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo, tập huấn về PCBLGĐ cho hàng trăm nghìn lượt người có liên quan thuộc các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở; thực hiện trợ giúp pháp lý; thăm khám và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Ước tính, đến nay có trên 90% hộ gia đình có ít nhất 01 người được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ qua các kênh thông tin khác nhau.
Mô hình PCBLGĐ được thi điểm giai đoạn 2008-2010 tại 64 xã/phường/thị trấn thuộc 64 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả tổng kết sau 3 năm thí điểm cho thấy, số vụ BLGĐ giảm 77,8% so với trước khi triển khai Mô hình; Bộ VHTTDL đã chỉ đạo nhận rộng Mô hình trên phạm vi toàn quốc, thống kê tại 61/63 tỉnh thành phố có khoảng 74,85% xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình PCBLGĐ. Các Mô hình hiện nay đang đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCBLGĐ cũng như thực hiện can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngay tại cộng đồng.
Các tổ chức quốc tế cũng đã đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ Bộ VHTTDL nói riêng và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam nói chung trong triển khai, thi hành Luật thông qua hỗ trợ về tài chính và kinh nghiệm quốc tế. Cụ thể như: Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch; Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch-DANIDA; Cơ quan-Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID); Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF)… đặc biệt là Quỹ Dân số liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các hoạt động tuyên truyền can thiệp về PCBLGĐ, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trong lĩnh vực gia đình.
Việc hướng dẫn hoạt động của cơ sở hỗ trợ, cơ sở tư vấn về PCBLGĐ mặc dù đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ nhưng đến nay chưa có địa phương nào thành lập được các cơ sở nêu trên theo đúng quy định hiện hành. Nguyên nhân do không có kinh phí triển khai, các chính sách xã hội hóa chưa thu hút được sự quan tâm của xã hội.
Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua cho thấy, nhìn chung tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Song, con số tổng hợp chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng BLGĐ hiện nay. So sánh số liệu báo cáo từ các ngành cho thấy, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa các ngành khi tổng hợp thông tin về BLGĐ. Chỉ tính riêng số liệu các vụ án ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ do Tòa án nhân dân tối cao báo cáo cho thấy, từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ (theo quy định của Luật).
Việc chưa có số liệu phản ánh thực trạng BLGĐ là khoảng trống trong công tác quản lý hiện nay đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu trong thời gian tới.
Luật chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong PCBLGĐ, các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai.
Việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người gây BLGĐ.
3. Đề xuất, kiến nghị,
Để nâng cao việc thực thi Luật, Bộ VHTTDL đã tổng hợp ý kiến kiến nghị từ các Bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào các ý kiến sau đây:
– Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng quy định rõ một số khái niệm và gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ;
– Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác gia đình các cấp, xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác gia đình và phân bổ kinh phí đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong triển khai nhiệm vụ được Luật và văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý điều hành do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
– Lồng ghép nhiệm vụ PCBLGĐ trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt là công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những đối tượng có nguy cơ cao bị BLGĐ chưa có nghề hoặc việc làm ổn định; nâng cao năng lực hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở bảo trợ xã hội;
– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành theo chuyên đề hoặc các địa bàn là điểm nóng của BLGĐ được nhân dân, xã hội quan tâm; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCBLGĐ trên địa bàn quản lý.