Sáng 07/3/2018, đoàn giám sát Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Loan- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và giải trình một số vấn đề tồn tại, khó khăn; những kiến nghị xung quanh việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức khác nhau…..Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong các hội thi, tọa đàm… Đến nay, toàn tỉnh có 12 mô hình câu lạc bộ điểm về gia đình. Số vụ bạo lực gia đình tại địa phương từ khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2008 đến năm 2017 là 5.053 vụ. Tính đến nay, số địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh trên địa bàn toàn tỉnh là 644 địa chỉ. Tuy nhiên, công tác gia đình tại tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn như đầu tư kinh phí cho hoạt động công tác gia đình còn hạn chế, đặc biệt là ở tuyến huyện, xã. Đội ngũ làm công tác gia đình ở cấp huyện và cấp xã còn kiêm nhiệm nhiều đầu việc. Việc thống kê số liệu về gia đình và bạo lực gia đình rất khó khăn không đầy đủ do có quá nhiều biểu tổng hợp số liệu và không có kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, cộng tác viên gia đình điều tra thu thập số liệu. Các vụ bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng tính chất của một số vụ lại nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực, gây hiệu ứng không tốt trong đời sống.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về chống bạo lực gia đình ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp, tỉnh cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện tốt hơn nữa. Trong thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nội dung này; xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; tăng cường đầu tư kinh phí cho lĩnh vực gia đình; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình cũng như công tác gia đình trong việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Trước đó, ngày 06/3/2018, đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Kỳ Anh. Trong giai đoạn 2008- 2017, công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật PCBLGĐ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện Kỳ Anh được thực hiện tốt.Từ khi triển khai, áp dụng Luật phòng, chống bạo lực gia đình đến nay các vụ bạo lực đã giảm đáng kể về số lượng tính và tính chất vụ việc. Huyện Kỳ Anh hiện có 01 mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình, 08 đội phòng, chống bạo lực gia đình. Nạn nhân được hỗ trợ về thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giải quyết căng thẳng. Sau đó được các đội hòa giải tiến hành hòa giải về với gia đình. Trong thời gian tới, đồng chí Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình; rà soát, bổ sung bộ máy ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp; tiến hành đánh giá, sơ kết, tổng kết trong công tác chỉ đạo; tăng cường đầu tư nguồn kinh phí trong công tác gia đình.
nguồn: sovhttdl.hatinh.gov.vn