Đó là yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận tại Văn bản số 4034 /UBND-KGVXNV ngày 24/10/2019 gửi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác phòng,chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định như: nhận thức của cộng đồng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể về công tác phòng, chống bạo lực gia đình ngày một nâng cao; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đang được triển khai ở cộng đồng đang ngày càng phát huy hiệu quả trong bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; tâm lý coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình trong cộng đồng đang dần thay đổi theo hướng tích cực, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực trong gia đình. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra tương đối phổ biến; thu thập các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình gặp rất nhiều khó khăn; việc phát hiện, xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; các mô hình câu lạc bộ về gia đình được triển khai nhưng phần lớn hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
Để phát huy, khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền, thu thập thông tin của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Rà soát các mô hình liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tập trung nguồn lực cho các mô hình có hoạt động hiệu quả. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, đa dạng các hình thức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt chú ý đến hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội; chú ý địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Thường xuyên kiểm tra, giám sát, rà soát công tác phòng, chống bạo lực gia đình, hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tại các địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình, đường dây nóng, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ hòa giải tại địa phương; lồng ghép tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình, dự án khác của địa phương để huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng truyền thông và nêu gương những tấm gương điển hình trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Tài chính: Nghiên cứu, bố trí ngân sách để bảo đảm nguồn kinh phí trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo Phòng Kế hoạch – Tài chính các huyện, thị xã, thành phố ghi mục chi và hướng dẫn các địa phương trong xây dựng và lập dự toán kinh phí thực hiện theo Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập ở các xã, phường, thị trấn và Hướng dẫn số 355/BTC-HCSN ngày 10/1/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình.
Sở Nội vụ: Hướng dẫn kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng, vận hành mạng lưới cộng tác viên về gia đình trên cơ sở kiện toàn, giao thêm nhiệm vụ cho đội ngũ cộng tác viên ở cộng đồng thuộc ngành Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội.
Các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành và chính quyền các cấp đôn đốc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Tuyên truyền cho hội viên tích cực tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng khu dân cư văn hóa; tham gia xây dựng mạng lưới cộng tác viên về Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố bố trí nhân lực, kinh phí và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình phù hợp nhằm triển khai hiệu quả công tác gia đình trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; quan tâm triển khai thực hiện công tác gia đình chặt chẽ, thường xuyên; chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các cấp để thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tuân thủ pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.