Ngày 12 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã xây dựng Báo cáo số 1250/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQCP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy được hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và duy trì, nhân rộng; hoạt động truyền thông được nâng cao,… nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về PCBLGĐ ngày càng được nâng cao; việc thay đổi hành vi về bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới có chiều hướng tích cực, góp phần phát huy các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình; xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh. Góp phần xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê, cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi có 88,65% hộ gia đình, 94.35% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; có 88/148 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 13/25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tình hình an ninh, trật tự ổn định; bình đẳng giới luôn được đề cao chú trọng, đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực cũng như trong cuộc sống. So với thời điểm trước khi ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP, nhận thức của cán bộ và Nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể, những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi; hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương.
Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, đều đạt những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”) là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước thực hiện về công tác gia đình, nhưng thực tế hiện nay việc tổ chức thực hiện công tác gia đình mang tính phối hợp liên ngành cao. Kinh phí bố trí cho hoạt động về công tác gia đình còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn không bố nguồn kinh phí riêng cho công tác gia đình mà chủ yếu sử dụng nguồn sự nghiệp văn hóa, nên gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động tại địa phương. Chế tài xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng có hành vi bạo lực gia đình.