Thực hiện pháp luật là hành vi của chủ thể (hành động hoặc không hành động) được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định.
Các hình thức thực hiện pháp luật bao gồm:
– Sử dụng pháp luật: Các cá nhân, tổ chức sử dụng đúng đắn các quyền của mình, làm những gì mà pháp luật cho phép làm.
– Thi hành pháp luật: Các cá nhân, tổ chức thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ, chủ động làm những gì mà pháp luật quy định phải làm.
– Tuân thủ pháp luật: Các cá nhân, tổ chức không làm những điều mà pháp luật cấm.
– Áp dụng pháp luật: Các cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật để ra các quyết định làm phát sinh, chấm dứt hoặc thay đổi việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức.
Như vậy, thực hiện Luật PCBLGĐ được hiểu là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm phòng, chống BLGĐ. Theo cách tiếp cận này, thực hiện Luật PCBLGĐ không phải là công việc của một cá nhân, một tổ chức mà là của toàn xã hội.
Trong thực hiện Luật PCBLGĐ, quản lý nhà nước về PCBLGĐ là một nội dung rất quan trọng. Đây là sự tác động của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, pháp luật, văn bản hành chính nhằm định hướng cho công tác PCBLGĐ đạt được hiệu quả. Những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước gồm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về PCBLGĐ; chỉ đạo triển khai hoặc triển khai theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng bộ máy tổ chức, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức thuộc lĩnh vực; các chế độ chính sách, thi đua, khen thưởng; ngân sách; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCBLGĐ.