Trong mô hình gia đình truyền thống, tác động của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách thường theo khuôn mẫu được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia đình Việt Nam không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín theo khuôn mẫu truyền thống mà đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ. Có thể thấy rõ ràng nhất là sự thay đổi về cơ cấu gia đình, trong đó bao gồm quy mô gia đình và các quan hệ xã hội trong và ngoài gia đình.
Về quy mô, đó là xu hướng chuyển từ mô hình gia đình truyền thống tồn tại ba đến bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà sang quy mô gia đình hiện đại chỉ có hai thế hệ cùng sống chung: cha mẹ – con cái. Quy mô gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân ngày càng trở nên phổ biến và được khẳng định. Cùng với đó, sự chuyển đổi từ mô hình gia đình đông con sang mô hình chỉ có từ một đến hai con theo chính sách dân số cũng khiến cho quy mô gia đình thay đổi. Chỉ trong vòng 40 năm, quy mô gia đình đã giảm từ 5,22 người/hộ năm 1979 xuống còn 4 người năm 2018 (Lan Anh, 2018).
Về các mối quan hệ trong gia đình, vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành “tổ ấm” cho mỗi con người. Với không ít gia đình (không phân biệt điều kiện kinh tế), đó là việc thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục giữa các thành viên. Ở khu vực đô thị, do nhịp sống hiện đại, khung cảnh sinh hoạt gia đình dường như bị thu hẹp dần bởi những bữa cơm thiếu thành viên, những khoảnh khắc gặp nhau vội vã, những cuộc trò chuyện thăm hỏi ngày càng thưa thớt… Ngay cả khi có điều kiện ngồi cùng nhau trong một khung cảnh chung thì dường như mỗi thành viên cũng đang tập trung sự chú ý vào máy tính, điện thoại và bị cuốn vào những mối quan tâm riêng trên không gian mạng. Ở địa bàn nông thôn, do hoàn cảnh mưu sinh, nhiều người phải di cư lao động để tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp (trong đó, phụ nữ di cư lao động có xu hướng ngày càng tăng), dẫn tới nguy cơ tình cảm gia đình phai nhạt, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên hạn chế, lỏng lẻo; trẻ em không có được chăm sóc từ bố mẹ, rất dễ bị tổn thương.
Một hệ quả khác nữa ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng giáo dục của gia đình, đó là sự tác động của hệ giá trị kinh tế đối với hệ giá trị tình cảm, chi phối các mối quan hệ trong gia đình. Thực tế cho thấy, kết quả của công cuộc đổi mới đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, kinh tế dần được cải thiện; nhưng đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao đồng thời cũng nảy sinh những thách thức đối với hạnh phúc và sự bền vững của gia đình Việt Nam, trong đó có vấn đề về lối sống và giáo dục gia đình (Khuất Văn Quý, 2019). Thu nhập có thể tăng lên, nhà cửa có thể khang trang hơn, nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao của mỗi thành viên trong gia đình có thể dễ dàng được đáp ứng nhưng bi kịch mới của gia đình đã hình thành bởi sự rạn nứt về tình cảm, sự nghi kỵ do thiếu lòng tin; dần tạo nên mâu thuẫn, xung đột, bạo lực, gia tăng ly hôn… (Nghiêm Thu Nga, 2104). Chẳng hạn như vấn đề ly hôn, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ ly hôn đang có xu hướng tăng trong 10 năm qua (năm 2009: 1,0%, năm 2019: 1,8%). Tỷ lệ này có sự khác biệt theo khu vực có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau: Tỷ lệ ly hôn của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%); vùng kinh tế phát triển cao hơn so với địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn (Đông Nam Bộ 2,2% so với miền núi và trung du phía Bắc 1,7%) (Thu Hường, 2020). Hay như thực trạng liên tiếp những vụ án đau lòng xảy ra gần đây mà nạn nhân và thủ phạm là cha mẹ, con cái, anh em trong gia đình. Trong điều kiện ấy, gia đình khó có thể làm tốt chức năng giáo dục, các thành viên trong gia đình khó có thể hình thành nhân cách tốt. Ðây chính là những vấn đề mà các cơ quan chức năng của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội phải đặc biệt quan tâm.