Hệ quả tự nhiên là những gì xảy ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn. Hệ quả logic lại đòi hỏi có sự can thiệp của người lớn hoặc của một chủ thể khác. Ví dụ: không học bài thì sẽ bị điểm kém, làm hỏng đồ chơi sẽ không được mua đồ chơi mới trong một thời gian nhất định…
Việc áp dụng phương pháp này có 2 mục đích chủ yếu. Thứ nhất, việc sử dụng hệ qủa tự nhiên và hệ quả logic dạy cho trẻ có ý thức trách nhiệm về các hành vi của chính mình, khích lệ trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm (đi học, đi ngủ đúng giờ, làm bài tập về nhà…). Thứ hai, cách làm này có thể thay thế cho trừng phạt, trẻ vẫn học được cách ứng xử tốt mà không cần người lớn đánh mắng; phương pháp này cũng giúp cho mối quan hệ cha mẹ con cái ấm áp, ít xung đột hơn.
Nguyên tắc lớn nhất cho phương pháp này là nếu tình huống không có hại cho trẻ thì nên áp dụng câu châm ngôn “trải nghiệm là người thầy tốt nhất” hay “cuộc sống là một trường học lớn nhất”. Đây là một khía cạnh rất quan trọng của quá trình học hỏi, trẻ học từ các trải nghiệm hệ quả hành vi của mình. Nếu những trải nghiệm này tích cực thì trẻ có xu hướng lặp lại hành vi đó và ngược lại nếu trải nghiệm đó là tiêu cực. Trẻ cần hiểu rằng hành vi nào cũng có hệ quả nhất định.
Muốn áp dụng phương pháp này trước hết mối quan hệ cha mẹ với con cái phải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và cả hai bên cần cùng hợp tác và khích lệ lẫn nhau. Nếu muốn thay đổi hành vi nào đó ở trẻ, trước hết cha mẹ phải làm cho trẻ hợp tác chứ không đối đầu. Muốn trẻ hợp tác cha mẹ phải là người hợp tác. Muốn trẻ tôn trọng, cha mẹ phải thể hiện sự tôn trọng trẻ.