Phương hướng năm 2020
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực gia đình, gồm:
Tổ chức hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình.
Tập huấn nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 nhằm thu thập xây dựng bộ số liệu phù hợp về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các chương trình, Đề án về công tác gia đình đến năm 2020.
Triển khai, thực hiện: Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống bạo lực gia đình, Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 …
Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay”.
Xây dựng Hồ sơ nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam, đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật”.
Xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ Bình đẳng giới, trẻ em, người cao tuổi năm 2020 với hình thức lồng ghép các nội dung nêu trên với việc thực hiện các nội dung của công tác gia đình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Vận hành trang thông tin điện tử về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về gia đình và các hoạt động khác theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ.
Phương hướng giai đoạn 2021-2030
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu “xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc” (Điều 60, Hiến pháp năm 2013) và các nội dung trong Chỉ thị số 49-CT/TW, Thông báo số 26-TB/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp. Đưa công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Tăng cường kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình.
Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác gia đình. Đầu tư hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn. Tăng cường kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp.
Tập trung hoàn thiện các chỉ số, chỉ báo thu thập số liệu về gia đình, bạo lực gia đình kịp thời, chính xác phục vụ cho tham mưu, hoạch định chính sách về gia đình.
Đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng hình thức truyền thông; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình, ngăn ngừa các thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình. Gắn tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với việc tuyên truyền thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.
Nhân rộng các mô hình tốt và tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình.