Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP, ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ, cả nước đã thành lập được 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa và chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 4 năm 2015 phê duyệt Đề án củng cố phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2025; Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH, ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời để triển khai Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Đề án phát triển y tế lao động xã hội đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, trong đó sẽ quy hoạch phát triển các cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng đối với người cao tuổi, người khuyết tật của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng.