* CLB Gia đình phát triển bền vững
CLB gia đình phát triển bền vững được thành lập ở cấp thôn. Mỗi thôn có thể có nhiều CLB, là nơi tập hợp các gia đình trên địa bàn dân cư thôn/xóm/phố có nhu cầu tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa… Mỗi CLB có từ 20 đến không quá 40 gia đình. Các thành viên của gia đình đều có thể tham gia sinh hoạt CLB, không giới hạn độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. CLB bầu ra Ban chủ nhiệm (BCN), có từ 3 đến 5 thành viên, bao gồm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, thư ký và ủy viên.
UBND cấp xã ra quyết định thành lập CLB và thành viên BCN, đồng thời ban hành quy chế sinh hoạt CLB.
Địa điểm sinh hoạt: trụ sở nhà Văn hóa thôn/xóm/phố, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thành viên Ban chủ nhiệm hoặc nhà thành viên CLB…
Nội dung sinh hoạt: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình; Giáo dục đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc, gia đình, dòng họ; Cách thức ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; Chăm sóc sức khỏe người già, phụ nữ và trẻ em; Phòng, chống bạo lực gia đình và phòng chống các tệ nạn xã hội; Giáo dục tiền hôn nhân; Bình đẳng giới trong gia đình và xã hội, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em…
Hình thức sinh hoạt: Tổ chức nói chuyện chuyên đề;Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cuộc thi về kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình; tổ chức những ngày lễ, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới cho các thành viên; thăm hỏi động viên các gia đình thành viên; tặng quà cho các cháu học giỏi; giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn.
Thời gian tổ chức sinh hoạt: CLB có thể tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần hoặc căn cứ tình hình thực tế tổ chức 2 tháng/ lần nhưng không dưới 6 lần/năm.
* Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình
Thành lập các Nhóm PCBLGĐ có từ 3 đến 5 thành viên do trưởng thôn/bản hoặc công an viên làm nhóm trưởng. Thành viên nhóm chọn từ Ban công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhân viên y tế thôn/bản.
Uỷ ban nhân dân xã ra quyết định thành lập Nhóm PCBLGĐ đồng thời ban hành quy chế hoạt động của Nhóm PCBLGĐ đảm bảo tính hợp pháp.
Nhiệm vụ của Nhóm PCBLGĐ:
Phát hiện, tiếp nhận tin báo về vụ việc bạo lực gia đình ở địa bàn, nhanh chóng can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gia đình gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế đối với thành viên gia đình.
Chủ động phối hợp với tổ hòa giải tổ chức hòa giải mâu thuấn bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 12, Điều 15 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tư vấn trực tiếp cho nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình về pháp luật, tâm lí, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình quy định tại Điều 16 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Phối hợp với người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 17 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Lập hồ sơ, thống kê báo cáo về vụ việc, tình hình xử lí vụ việc bạo lực gia đình cho Ban chỉ đạo cấp xã.
* Thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng
Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là nơi cá nhân, tổ chức có uy tín, có khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư khi nạn nhân có yêu cầu được giúp đỡ, được tạm lánh. Tùy theo điều kiện và khả năng thực tế, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho UBND cấp xã biết.
Cách thức thực hiện:
Cá nhân, tổ chức thông báo bằng văn bản về việc tự nguyện đăng ký địa chỉ tin cậy, nơi đặt địa chỉ tin cậy với UBND cấp xã nơi đặt địa chỉ tin cậy.
Sau khi tiếp nhận thông báo của cá nhân, tổ chức đăng ký trở thành địa chỉ tin cậy, UBND cấp xã lập danh sách và công bố các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trên các phương tiện thông tin của địa phương. Danh sách địa chỉ tin cậy được lập thành 3 bộ phận quản lí và chịu trách nhiệm giải quyết khi có yêu cầu: người đứng đầu cộng đồng dân cư, cán bộ Văn hóa- xã hội và Công an xã để theo dõi, hỗ trợ hoạt động của địa chỉ tin cậy.
UBND cấp xã tổ chức tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trong trường hợp cần thiết.