Để thực hiện tốt công tác gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đề xuất giải pháp chính như:
Tiếp tục quán triệt, triển khai và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền những đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình và trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc điểm vùng miền… Đưa nội dung giáo dục tiền hôn nhân cho học sinh trung học phổ thông (lớp 12), tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực trong học đường, tai nạn thương tích trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em trong nội dung công tác gia đình giai đoạn 2020-2030.
Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn 2030; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; mô hình phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Duy trì và tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng nòng cốt cũng như nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến công chức, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của gia đình; tổ chức các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 như tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật PCBLGĐ, Hội thảo về hôn nhân và gia đình.. Lồng ghép các nội dung của công tác gia đình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.
Tăng cường triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về gia đình; đẩy mạnh công tác phối hợp các sở, ban ngành và địa phương lồng ghép công tác tuyên truyền, đưa kế hoạch, chương trình hành động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, phát triển bền vững vào kế hoạch, chương trình hành động của cơ quan, đơn vị.
Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Tiếp tục kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đủ mạnh để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các dòng họ, gia đình, cá nhân vào việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện giúp cho các gia đình nâng cao nhận thức và có thêm cơ hội, điều kiện tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, chương trình, đề án do Trung ương ban hành, các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác gia đình; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan thường trực phụ trách về công tác gia đình của tỉnh với các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương trong thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp về công tác gia đình.
Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác gia đình, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung của phong trào, lồng ghép mục tiêu quốc gia với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, xem đây là nội dung quan trọng để đánh giá thực chất các danh hiệu văn hóa hàng năm.
Nâng cao mức sống gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và các phúc lợi xã hội, đặc biệt đối với các gia đình thuộc diện chính sách, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình thuộc hộ nghèo, gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác gia đình. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để nắm bắt tình hình và có sự chỉ đạo kịp thời khi có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh.