Thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg trên địa bàn với mục đích từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Phát triển và duy trì hoạt động của các mô hình phòng chống bạo lực gia đình góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương. Các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCLBGĐ). Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công các gia đình các cấp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và PCBLGĐ. Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong triển khai Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, với nội dung tuyên truyền phong phú, chú trọng về văn hoá ứng xử; giáo dục đạo đức; lối sống trong gia đình; trách nhiệm của các thành viên trong thực hiện bình đẳng giới, PCBLGĐ. Đa dạng hoá các hình thức truyền thông, chú trọng vào hình thức tuyên truyền, vận động trực tiếp. Đặc biệt ưu tiên đối tượng là nam giới và những gia đình thuộc nhóm có nguy cơ cao xảy ra BLGĐ.
Công tác phòng ngừa bạo lực gia đình: Phát huy vai trò của công tác hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình. Thực hiện tốt việc tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư để phòng ngừa BLGĐ. Nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình PCBLGĐ ở cộng đồng.
Công tác can thiệp, xử lí bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: Tăng cường công tác phát hiện và báo tin về BLGĐ tại cơ sở thông qua Đường dây nóng và Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nâng cao kỹ năng ngăn chặn, xử lý các vụ BLGĐ tại cơ sở; phát huy hiệu quả hoạt động của Nhóm PCBLGĐ. Cung cấp các dịch vụ tư vấn, y tế, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khoẻ cho nạn nhân BLGĐ. Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến gia đình, PCBLGĐ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.