Để thực hiện tốt công tác gia đình trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nhiệm vụ chính để triển khai công tác gia đình, cụ thể như sau:
Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình tỉnh Đắk Lắk no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội. Phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo các nội dung sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác gia đình. Công tác gia đình phải được xem là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và của các huyện, thị xã, thành phố. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương lồng ghép công tác tuyên truyền, đưa kế hoạch, chương trình hành động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, phát triển bền vững vào kế hoạch, chương trình hành động của đơn vị.
Nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác gia đình của cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo đạt kết quả cao trong triển khai thực hiện kế hoạch. Kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về gia đình là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan và của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về gia đình các cấp.
Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Tiếp tục hỗ trợ các gia đình thực hiện tốt 4 chức năng cơ bản của gia đình gồm: chức năng sinh sản và tái sản xuất lao động; chức năng giáo dục và xã hội hóa; chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm của các thành viên gia đình; chức năng kinh tế với tư cách là một đơn vị kinh tế.
Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.
Tăng cường công tác giáo dục gia đình, cung cấp cho các gia đình những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên.
Tiếp tục kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đủ mạnh để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác gia đình; thực hiện chi ngân sách nhà nước cho công tác gia đình theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.