Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa không chỉ đồng hành cùng dân tộc, hòa nhịp với sự phát triển chung của dân tộc mà trên nhiều phương diện còn giữ vai trò tiên phong, thúc đẩy phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của gia đình trong gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình nói riêng, của dân tộc nói chung. Để thực hiện được điều đó cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Mỗi gia đình cần nhận thức sâu sắc rằng, nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình là tài sản tinh thần vô giá, liều thuốc vạn năng giúp cho mỗi con người có những suy nghĩ, hành động đúng đắn, hợp lý trong công việc, cũng như trong cuộc sống. Dù đời sống vật chất và đời sống tinh thần, cấu trúc gia đình có thay đổi, nhưng hơn bao giờ hết, cần tiếp tục vun trồng, nuôi dưỡng, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Nét đẹp truyền thống của gia đình không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc mỗi người phấn đấu mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hoá trong bối cảnh toàn cầu. Cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức gia đình, những nét đẹp của đạo đức truyền thống trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình giúp họ thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, cho họ nền tảng để rèn giũa phẩm chất đạo đức của bản thân.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, tiếp biến những giá trị tiến bộ, hiện đại. Gia đình Việt Nam có những giá trị tốt đẹp vừa tạo nên sự gắn kết trong gia đình lại vừa tạo sự cố kết cộng đồng; tình yêu gia đình gắn chặt với tình yêu dân tộc. Những nét đẹp, những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp đó cần được kế thừa và phát huy trong điều kiện mới. Tuy nhiên, cũng cần khắc phục, loại bỏ những giá trị không còn phù hợp của gia đình truyền thống như: tính gia trưởng, bất bình đẳng về giới, bất bình đẳng trong quan hệ giữa các thế hệ; những nghi lễ rườm rà tốn kém trong ma chay, cưới hỏi; tính cục bộ theo dòng họ, địa phương… Mặt khác, phải tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá của nhân loại, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của hôn nhân và gia đình tư sản. Do đó, trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay cần thực hiện hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; xây dựng bầu không khí gia đình dân chủ, bình đẳng, hoà thuận, yêu thương; củng cố gia phong, xây dựng gia giáo, giáo dục gia huấn cho các thế hệ trên cơ sở những giá trị đạo đức gia đình truyền thống. Để làm được việc này, cần tập trung xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, phải coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước một mặt, cần có các chính sách thúc đẩy việc hình thành những giá trị, văn hóa gia đình hiện đại; mặt khác, phát huy được các giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, chống lại sự đứt đoạn về văn hóa trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại. Nhà nước cần ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho công tác gia đình hiện nay.
Ba là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Sự no ấm về đời sống vật chất, lành mạnh và phong phú về đời sống văn hóa tinh thần là những tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức… của các thành viên gia đình. Vì vậy, cần có những chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế gia đình, trong đó ưu tiên các gia đình đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động; đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; từng bước rút dần lao động nông nghiệp sang phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong khu vực nông thôn…, qua đó tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động cho gia đình và xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải giữ vững ổn định chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết cộng đồng gia đình các dân tộc Việt Nam, bảo đảm cho các gia đình trên lãnh thổ Việt Nam đều có đời sống vật chất, tinh thần no đủ, phong phú để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình.
Bốn là, thường xuyên quan tâm xây dựng khu tập thể dân cư, làng, bản văn hóa. Xây dựng khu tập thể dân cư, làng bản văn hóa nhằm tạo ra một môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, an toàn, thuận lợi nhất để các gia đình đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở làng, xã, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả cộng đồng; góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên nêu gương và khen thưởng cho những gia đình mẫu mực, đồng thời phải lên án, phê phán nặng những gia đình đồi bại, cha mẹ bỏ rơi, ngược đãi con cáí hoặc con cái bất hiếu, hành hạ cha mẹ… tạo dư luận trong cộng đồng, góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.