Có thể nói, giao tiếp vợ chồng là chỉ báo quan trọng phản ánh đời sống tinh thần của các cặp vợ chồng. Điều này được thể hiện qua việc vợ chồng có thường xuyên giao tiếp với nhau không, các cách thức giao tiếp và sự chia sẻ, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung trong cuộc sống. Điều đầu tiên trong giao tiếp vợ chồng là sự biết lắng nghe nhau trong giao tiếp. Dù là vợ hay chồng, cả hai đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong lắng nghe, vợ hay chồng không chỉ nghe đơn giản bằng tai (nhằm lưu giữ và định dạng thông tin) mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim để hiểu được những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Điều đó có nghĩa là lắng nghe không chỉ những điều người khác nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời: ánh mắt, nét mặt, tư thế, điệu bộ…
Người nghe phải quan sát cả thái độ người nói cộng với phán đoán, sự trải nghiệm trong cuộc sống, hoặc cần có sự đồng cảm giao thoa giữa người nói với người nghe thì mới có thể thấu hiểu được “ý tại ngôn ngoại” của thông tin người nói phát ra. Điều này sẽ giúp tạo dựng được tình cảm tốt đẹp giữa vợ và chồng vì đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích từ cả hai phía. Sau khi đã đáp ứng nhu cầu chủ yếu đó, cả hai người có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề.
Sự giao tiếp giữa vợ và chồng đôi khi đơn giản chỉ là sự chào hỏi nhau bằng những cử chỉ, lời nói thân mật, điện thoại nhắn tin cho nhau mỗi khi đi công tác xa, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, tặng hoa, tặng quà cho nhau…nhằm biểu lộ sự quan tâm, sự yêu thương và vun đắp tình cảm.
Mặt khác, giao tiếp vợ chồng không chỉ giới hạn trong phạm vi vợ chồng mà còn bao hàm cả giao tiếp của vợ chồng với những người có quan hệ với người vợ hoặc người chồng của mình như bố mẹ, họ hàng, anh chị em, hàng xóm, bạn bè…Mỗi người dù là vợ hay chồng đều có những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và nhiều mối quan hệ khác. Do đó, vợ chồng phải luôn biết tôn trọng các mối quan hệ của nhau. Người ta thường nói “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, là người vợ bạn phải luôn biết hòa đồng, quan tâm đến bạn của chồng, tránh làm mất thể diện của chồng trước bạn bè. Ngược lại, người chồng cũng phải luôn biết và tôn trọng các mối quan hệ của vợ. Vợ chồng cùng phải biết quan tâm đến họ hàng nội ngoại đôi bên, giữ gìn mối quan hệ với hàng xóm láng giềng. Nhìn chung, cho dù ở hoàn cảnh nào thì vợ chồng luôn cần chăm sóc, bồi đắp đời sống tinh thần giữa các thành viên và cùng nhau sát cánh bên nhau.
Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng phải biết giữ hòa khí và phải biết thỏa hiệp. Đây là cách tốt nhất để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê”. Do đó, khi vợ chồng bất đồng quan điểm mỗi người nên kiềm chế cái tôi của mình. Không nên vì cái tôi mà khăng khăng làm theo ý mình, cho rằng mình đúng và quyết bảo vệ đến cùng. Điều này không hề có lợi trong quan hệ vợ chồng mà trái lại dễ gây mâu thuẫn, xung đột dẫn đến sự rạn nứt tình cảm và dần dần tan vỡ gia đình. Khi không cùng quan điểm vợ chồng nên tìm cách để có thể nói chuyện được với nhau một cách cởi mở, chân thành trên tinh thần xây dựng; học cách ứng xử khéo léo, tế nhị. Mỗi người hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và thấu hiểu. Đồng thời, vợ chồng phải biết thương kính, nhường nhịn nhau, rộng lượng, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của nhau mỗi khi ai vi phạm sai lầm, sơ suất. Chính lòng nhân ái, vị tha sẽ giúp mỗi người giảm được sự căng thẳng, tức giận, bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, phân biệt đúng/sai và cùng nhau sửa lỗi.
Gia đình là tế bào của xã hội “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt” (chủ tịch Hồ Chí Minh). Bởi thế mà các quốc gia trên thế giới đều đề cao gia đình, coi gia đình là quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người đồng thời quan tâm đến việc hoạch định chính sách chiến lược về gia đình, giáo dục thế hệ trẻ ý nghĩa xây dựng gia đình. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề gia đình và giáo dục gia đình luôn được đề cao và quan tâm. Chính vì vậy, nhiều văn bản, chỉ thị được đưa ra nhằm định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, xây dựng các tiêu chí ứng xử trong các mối quan hệ trong gia đình. Trong đó, ứng xử vợ chồng vẫn luôn là một trong những mối quan hệ chủ yếu, cơ bản cần được quan tâm. Trong bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, trước làn sóng hội nhập và phát triển, mối quan hệ vợ chồng đã có nhiều thay đổi (sự bình đẳng giữa vợ và chồng, đề cao giá trị cá nhân…), tuy nhiên, điều cơ bản và thiết yếu nhất để duy trì, giữ gìn hạnh phúc vợ chồng vẫn được xây dựng trên những nền tảng căn bản: sự thủy chung, nghĩa tình, trách nhiệm, sự tôn trọng, yêu thương lẫn nhau…bởi xét cho cùng thì hạnh phúc chính là sự sẻ chia, lắng nghe. Nếu cả hai vợ chồng cùng cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn với cuộc sống gia đình thì chắc chắn rằng ngọn lửa tình yêu, hạnh phúc sẽ luôn thắp sáng trong mỗi mái nhà, tổ ấm thân thương của chúng ta./.