Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, bên cạnh người Kinh một dân tộc chiếm đa số cư dân còn có 53 dân tộc thiểu số phần lớn sống ở miền núi, một số tỉnh ven biển và đồng bằng phía Nam. Mỗi dân tộc ở nước ta đều có sắc thái văn hoá riêng, có những kỹ năng ứng xử văn hóa riêng của dân tộc mình.
Văn hóa ứng xử là một trong những thành tố của văn hóa. Do vậy, ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những quy phạm ứng xử xã hội phù hợp với điều kiện văn hóa, thể hiện tính người thông qua cách ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự giao lưu văn hóa đã và đang tạo ra không ít thách thức với chính con người với vai trò là đối tượng tạo ra và phát triển văn hóa, trong việc nhận thức về giá trị của văn hóa, phát huy giá trị của giao lưu văn hóa trong đời sống xã hội. Vậy kỹ năng ứng xử văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào?
Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tộc người là một chủ thể của một nền văn hóa, không ai có thể làm tốt hơn họ trong việc gìn giữ di sản mà tổ tiên trao truyền. Bản sắc của mỗi dân tộc là vốn quý, là niềm tự hào, là hình ảnh mà họ khẳng định với cộng đồng về lịch sử sinh tồn và nét tinh hoa của dân tộc mình.
Với mỗi người dân tộc thiểu số họ mang trên mình một nét văn hóa của dân tộc họ, họ cần phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc của mình. Trong thời kỳ đổi mới, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được tiếp cận thông tin, tiếp cần nhiều nền văn hóa mới, nên có thể bị ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa vốn có của họ. Trong nhiều gia đình dân tộc ngày nay đang bị mai một đi các nét văn hóa truyền thống. Có một thực tế hiện nay là nhiều cư dân trong các dân tộc thiểu số đang hời hợt hoặc quay lưng lại với chính những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Một bộ phận lớp trẻ còn tỏ ra tự ti, mặc cảm về những sự “khác biệt”. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số tỉnh bên cạnh việc “bỏ quên” các giá trị văn hóa của dân tộc mình lại “học đòi” , nhiều gia đình xa hoa, lãng phí như làm sinh nhật mời hàng trăm khách, đám cưới phô trương linh đình cỗ bàn,… rồi gánh nợ nhiều năm. Có những gia đình không muốn con mình nói tiếng dân tộc thiểu số, một số người còn cảm thấy xấu hổ khi giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình. Nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tộc người không có niềm tự hào, ý thức tôn trọng những di sản quý báu của cha ông thì khoan hãy trách đến các cộng đồng khác thiếu quan tâm, sẻ chia và đồng cảm với mình. Ngay trong cùng là dân tộc thiểu số với nhau cũng có những hiện tượng phân biệt, kỳ thị. Điều đó cho thấy, ít nhiều sự ứng xử bất bình đẳng, cách biệt, hiểu biết sai lệch trong văn hóa tộc người cũng có phần xuất phát từ thiếu sót trong nội bộ các dân tộc thiểu số. Vì vậy, trước hết cần xây dựng và củng cố niềm tự hào, tự tôn, khơi gợi năng lực nội sinh trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa ngay từ trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Các dân tộc thiểu số là chủ nhân của Di sản văn hóa lâu đời của Việt nam chúng ta . Vì thế cần làm cho niềm tự hào về cội nguồn, bản lĩnh, bản sắc văn hóa của mỗi tộc người tiếp tục tạo nên những kháng thể đủ sức đẩy lùi hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh…