Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Nguyên nhân trước hết là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xme nhẹ. Sự dồn nén tâm lý của một người do những khó khăn về kinh tế hoặc vì các chất kích thích cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em. Thời gian phải giãn cách xã hội do Covid-19 vừa qua cho thấy, sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu đã làm gia tăng bạo lực gia đình đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ.
Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp (tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước). Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca). Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là điều đáng báo động về phương pháp giáo dục của cha mẹ/người chăm sóc đối với trẻ em. Đối với các ca bị xâm hại tình dục, có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58,2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ 2020), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25,4% (tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020). Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen chiếm 31,1%; bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23,8% (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020).
Thực trạng và tình hình bạo lực đối với trẻ em không chỉ dừng lại ở câu chuyện bạo lực về thể chất mà còn liên quan đến yếu tố về tinh thần. Có thể có những vết thương, và những vết thương này có thể lành theo năm tháng nhưng vết thường về mặt tinh thần thì sẽ để lại di chứng rất nhiều năm nếu không có sự can thiệp một cách triệt để và có những giải pháp để tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý cho trẻ em đang trong hoàn cảnh bị bạo lực. Trẻ em thuộc nhóm yếu thế, phụ thuộc vào người lớn, vào người sinh ra và đang nuôi dưỡng các em nên khả năng tự bảo vệ, nhận ra bị bạo lực và những quyền của mình như thế nào.
Phản ứng về mặt tâm lý khi trẻ em đối mặt với những tình huống bạo lực là rất lớn ngay cả trước khi tình huống bạo lực xảy ra. Ảnh hướng đến sự tự tin, sự lo sợ. Những trận đòn roi đó không chỉ ám ảnh các em đang thức mà nó in hằn vào trong giấc mơ, các em mơ về những giấc mơ các em bị bạo lực, nó quay trở lại những tình huống mà các em phải khóc mới giải tỏa được. Trong tiến trình phát triển về mặt tâm lý, mặt thể chất của các em cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các em cảm thấy bị cô lập với thế giới và các em cũng có thể trở thành một phiên bản bạo lực trong tương lai, các em sử dụng những khuôn mẫu hành vi bạo lực đó với bạn bè, những người xung quanh và thậm chí là với những đứa con của các em sau này.
Trẻ em là tương lai của đất nước, là mầm non để chúng ta cần nâng niu và phát triển. Trẻ em cũng chính là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình và của mỗi đất nước. Tất cả cùng cố gắng tạo dựng gia đình – hạt nhân của xã hội. Nếu trẻ em trong mỗi gia đình đều được thương yêu, bảo vệ, được tạo điều kiện học hành và phát triển một cách toàn diện thì chắc chắn tất cả trẻ em trong xã hội sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội, tiến tới xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh.