Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện công tác gia đình và luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp, các ngành, địa phương cụ thể hóa lồng ghép và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực trong gia đình; giải quyết những mâu thuẫn và hòa giải các tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giúp cho việc củng cố và xây dựng gia đình phát triển bền vững đạt hiệu quả.
Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, lực lượng công an các cấp đã tiếp nhận, xử lý 393 vụ, 400 đối tượng gây bạo lực gia đình; xử lý hành chính 337 vụ, 343 đối tượng, khởi tố điều tra 56 vụ, 57 đối tượng. Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức 04 phiên tòa lưu động xét xử 04 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về bạo lực gia đình (huyện: Hòn Đất, Phú Quốc, An Minh và thành phố Rạch Giá). Theo thống kê đối tượng nữ từ 16 tuổi đến 59 tuổi bị bạo lực gia đình chiếm hơn 81%, trẻ em chiếm 15,7%, từ 60 tuổi trở lên chiếm 3,3%. Các vụ bạo lực gia đình đa số là bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể phụ nữ, trẻ em, người già.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là do cờ bạc, rượu chè, số đề, tệ nạn xã hội, đói nghèo, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ngoại tình, ghen tuông, sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết phát luật về phòng, chống bạo lực gia đình; thiếu kỹ năng ứng xử, giải quyết khi gia đình xảy ra mâu thuẫn, xung đột;… Công tác tuyên truyền giáo dục hiệu quả chưa cao, một số nơi cộng đồng dân cư còn thờ ơ với bạo lực gia đình; một số vụ bạo lực gia đình do nạn nhân giấu giếm vì lý do như giữ thể diện gia đình, sợ bị bạo lực nhiều hơn, một do nhận thức đây là việc riêng.
Toàn tỉnh có 131 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 59 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 145 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 189 đường dây nóng được thành lập theo quy định. Qua đó, đã giúp 307 người là nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp nhận, hỗ trợ tại các địa chỉ tin cậy cộng đồng; có 452 người được hỗ trợ, chăm sóc y tế cơ sở; 3.250 lượt nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Hội Phụ nữ các cấp đã triển khai nhân rộng, lồng ghép các mô hình, thành lập 3.904 câu lạc bộ, tổ, nhóm với 72.182 thành viên tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; câu lạc bộ tổ, nhóm “nuôi dạy con tốt”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình hạnh phúc”… thí điểm xây dựng 15 câu lạc bộ thực hiện Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; duy trì hoạt động Trung tâm “Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”. Sở Lao động-Thương binh và xã hội triển khai mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; thí điểm thành lập 6 câu lạc bộ tại xã Vĩnh Hòa (U Minh Thượng); 2 tổ tư vấn hỗ trợ bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Phú Lợi (Giang Thành); thực hiện 07 mô hình nhóm tư vấn cộng đồng dưới hình thức câu lạc bộ về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình tại xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng).
Việc triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương đã góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống bản sắc gia đình Việt Nam; tăng cường trách nhiệm của cộng đồng đối với việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng; kỷ cương, pháp luật, trật tự xã hội được giữ vững, ổn định; việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới được quan tâm; tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực xã hội đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ gia đình sau khi không còn bạo lực đã chí thú lao động, vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con ngoan.
Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục nâng cao dân trí, đi đôi với tăng cường giáo dục, đạo đức lối sống cho mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi ngành…; phát huy vai trò chủ động của ngành văn hóa và giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình. Ưu tiên đối tượng tuyên truyền là nam giới và các gia đình thuộc nhóm có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các đoàn thể ở cơ sơ với mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên kịp thời nắm bắt thông tin, can ngăn xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Tổ chức góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người gây bạo lực gia đình. Thực hiện xét xử lưu động các vụ án về bạo lực gia đình tại địa bàn xảy ra vụ việc. Khuyến khích các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia phòng chống bạo lực gia đình; cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm./.
theo bvhttdl.gov.vn