Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vụ việc bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trong khi kinh phí thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực gia đình với trẻ em còn có những khác biệt tương đối. Theo đó, ở địa phương nào người đứng đầu cơ quan tổ chức đặc biệt là chính quyền cơ sở quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì ở đó các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và đem lại những hiệu quả tích cực. Một số kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình những năm gần đây cho thấy, những địa bàn có triển khai Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình thì số vụ bạo lực gia đình giảm hơn so với những địa bàn không triển khai Mô hình. Tương tự như vậy, những địa bàn được quan tâm triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng về phòng, chống bạo lực gia đình thì ở đó các vụ bạo lực gia đình cũng ít xảy ra hơn những địa bàn không được tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Các địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong báo cáo hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định hằng năm trong báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình kinh tế – xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Song, đến nay chưa có địa phương nào đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào báo cáo hội đồng nhân dân cùng cấp.
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay chưa thực sự được cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương quan tâm. Một số Ủy ban nhân dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình thường bị che giấu đằng sau cánh cửa mỗi gia đình, vì vậy để nắm thông tin về bạo lực gia đình phải có mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng dân cư. Song, đến nay chỉ có 4/63 tỉnh thành có đội ngũ cộng tác viên thực hiện thu thập thông tin và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đội ngũ công chức được giao triển khai nhiệm vụ về công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay theo hình thức kiêm nhiệm, chưa có công chức chuyên trách về phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt cấp xã, phòng chống bạo lực gia đình không được giao trong nhiệm vụ chuyên môn (Theo thông tư số 06/2012/TT-BNV).
Nhiều người vẫn còn tư tưởng “yêu cho roi cho vọt”, cha mẹ đánh con là dạy bảo con, là chuyện riêng của nhà người ta vì vậy các vụ việc bạo lực gia đình với trẻ em không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo quyền được vui chơi giải trí, phòng, chống đuối nước tai nạn thương tích cho trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trung tâm huyện lỵ; những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc ít người, hệ thống này ít về số lượng, không có nhiều hoạt động phong phú phục vụ thiếu nhi. Cơ sở vật chất tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều địa phương cũ kỹ, xuống cấp, không thu hút số đông người dân tham gia, trong đó có trẻ em. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu dùng chung, chưa có khu vui chơi, trang thiết bị riêng biệt cho trẻ em.