Hoạt động văn hóa là một trong những thành tố quan trọng hỗ trợ đắc lực việc tổ chức triển khai có hiệu quả thực thi Luật người khuyết tật thông qua việc tổ chức sân chơi, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ bảo đảm việc tiếp cận bình đẳng cho người khuyết tật. Trong thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả quan trọng như:
– Tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật:
+ Chỉ đạo các Sở tạo điều kiện hỗ trợ về mọi mặt cho các đoàn nghệ thuật người khuyết tật tham gia biểu diễn tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, các hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức nhằm tuyên truyền, động viên khích lệ, hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật bình đẳng tham gia vào các hoạt động góp phần xây dựng cộng đồng xã hội, tự chủ trong cuộc sống, phấn đấu vươn lên trong cộng đồng.
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật phục vụ mọi đối tượng nhân dân, trong đó có người khuyết tật trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phát hành đĩa hình để chiếu lưu động phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo và dân tộc thiểu số. Với 59 đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 568 đội cấp huyện, các địa phương đã tổ chức nhiều buổi hoạt động, phục vụ hàng triệu lượt người xem, trong đó một bộ phận là người khuyết tật trên khắp cả nước. Các hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên nhằm tuyên truyền, động viên, khích lệ, hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình đáp ứng nhu cầu của bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội, bớt mặc cảm tự ti để phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Hoạt động văn học nghệ thuật, mỹ thuật đã thu hút được người khuyết tật tham gia hoạt động sáng tác, từ đó tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng về văn hoá, nghệ thuật, mỹ thuật.
– Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đã phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật.
– Hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc đã có nhiều chương trình đặc biệt dành cho người khuyết tật, cụ thể là:
+ Kể từ năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Quỹ FORCE (Hà Lan) để triển khai các hoạt động hỗ trợ người khiếm thị tại các thư viện cấp tỉnh, tạo điều kiện cho người khiếm thị tiếp cận thông tin và tri thức. Đặc biệt, hoạt động phục vụ người khiếm thị đã được mở rộng trên phạm vi cả nước, cho đến nay các thư viện cấp tỉnh đã triển khai ở các mức khác nhau, trong đó Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là hai trung tâm phục vụ lớn nhất cả nước với nhiều sản phẩm thông tin đa dạng như: sách nói, chữ Braille, sách minh họa nổi, tài liệu đồ họa nổi và nhiều công nghệ hỗ trợ. Ngoài ra, trên 100 cơ quan thông tin thư viện, Hội người mù, các trường, trung tâm dạy trẻ khiếm thị, khiếm thính đã được hỗ trợ các dịch vụ cơ bản, cần thiết cho việc cung ứng thông tin cho người khiếm thị, khiếm thính. Đến nay, cả nước đã có 4 Studio sản xuất sách nói kỹ thuật số được xây dựng tại Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Hà Nội, Hội người mù Việt Nam, 153 cán bộ quản lý và nhân viên của các thư viện công cộng đã được dự các lớp tập huấn, hội nghị hội thảo về phục vụ người khiếm thị trong nước và nước ngoài.
+ Giai đoạn 2016-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tập đoàn Vingroup triển khai dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” tại 44 địa phương trong cả nước trong đó có trang thiết bị phục vụ người khuyết tật. Đặc biệt trong 02 năm 2017 và 2018, Dự án đã trao tặng 13 xe tô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho 13 tỉnh. Năm 2019, Dự án đã trao 31 xe tô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho 31 tỉnh/thành phố. Mỗi xe có hơn 4.000 cuốn sách, 06 máy vi tính, 01 máy chủ, phần mềm, máy chiếu, ti vi… Trong đó có máy đọc và sách nói cho người khiếm thị, máy phóng to cho người lòa, tài liệu điện tử. Bộ đã tổ chức 02 chương trình tập huấn về nội dung phục vụ người khuyết tật, người khiếm thị cho cán bộ, nhân viên thư viện được tiếp nhận xe ô tô lưu động. Bên cạnh đó, nhiều máy tính, thiết bị đọc sách nói và sách nói, máy lòa được trao tặng cho các em trường học sinh Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) và một số trung tâm người khuyết tật trong cả nước. Để hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa phục vụ nhu cầu thông tin của người khuyết tật và người khiếm thị, tại thư viện các tỉnh/thành phố đã hình thành mạng lưới cộng tác viên thư viện thực hiện đưa đón, hoặc mang tài liệu phục vụ tận nơi cho người khuyết tật, người khiếm thị như: Thư viện KHTH Tp. HCM, Thư viện Đồng Tháp,…
+ Năm 2019: Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký chương trình phối hợp công tác với Hội người mù Việt Nam về việc phát triển văn hóa đọc cho người khiếm thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
+ Năm 2019-2020: Vụ Thư viện đã phối hợp với Hội người mù Việt Nam tổ chức hai cuộc thi “Gia đình đọc sách-gắn kết yêu thương” và “Đọc sách theo tấm gương ham học và tự học của Bác Hồ vĩ đại” và đã trao tặng hàng trăm điện thoại thông minh cùng những phần quà có giá trị cho người khuyết tật; Tổ chức giao lưu tọa đàm về tấm gương tự học vươn lên trong cuộc sống của dịch giả Nguyễn Thị Bích Lan với các em khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội và trao tặng sách và phần thưởng vào quỹ khuyến đọc của Nhà trường; Tổ chức giao lưu, trao đổi về phương pháp đọc sách có hiệu quả giữa các chuyên gia, các đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 với các em học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu và Hội Người mù Việt Nam, đã tặng sách nói cho những học sinh đạt thành tích tốt trong học tập.
+ Bên cạnh đó, Vụ Thư viện đã phối hợp với Thư viện Hà Nội cùng các tình nguyện viên của các câu lạc bộ “Sách và hành động” tại Thư viện của các trường Đại học/học viện tại Hà Nội triển khai hoạt động đọc sách, để hình thành sách nói, hỗ trợ vốn tài liệu cho những người khiếm thị tại các trường học và Chi hội Người mù do Hội Người mù Việt Nam đề xuất.
+ Hiện nay, toàn ngành thư viện đã tiếp tục thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (trong giai đoạn 2021-2025), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến người khuyết tật.
– Ngành điện ảnh đã in hàng nghìn bản DVD các bộ phim truyện của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam để cấp phát cho toàn bộ các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng khắp 63 tỉnh, thành cả nước phục vụ đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả là người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, khó tiếp cận với hoạt động văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp được quan tâm và định hướng trong vận hành hoạt động hướng đến người khuyết tật.
– Công tác xây dựng văn hoá cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh thực hiện với nhiều nội dung hướng tới người khuyết tật. Hiện nay có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 683 Trung tâm Văn hoá – Thể thao cấp huyện đạt tỷ lệ 96,8%; 8147 Trung tâm Văn hoá – Thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 76,7% và có 78.335 Nhà Văn hoá – Khu thể thao cấp thôn, bản… do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Hệ thống thư viện công cộng gồm 63 thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 667 thư viện cấp huyện; 3.290 thư viện cấp xã và hơn 19.881 tủ sách, phòng đọc cơ sở và thư viện cộng đồng. Ngoài ra, trong quá trình thiết kế, cải tạo, tôn tạo, xây dựng, nhiều bảo tàng, di tích đã chú trọng tới việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong trưng bày và các khu chức năng để phục vụ người khuyết tật. Nhiều bảo tàng, di tích đã thiết kế khu vệ sinh riêng, có bảng biển chỉ dẫn, bố trí lối đi riêng cho người khuyết tật tại các khu vực tham quan, trưng bày như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Nam Định…