Để thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam trong tình hình mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đề xuất các giải pháp chính như:
Khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới nội dung và giải pháp truyền thông về gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, cùng các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình. Giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả; phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong cuộc sống gia đình. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu bên ngoài tác động vào gia đình.
Thực hiện có hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống. Tập trung nguồn lực, thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp, mở rộng chính sách khuyến khích để phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có kế hoạch và biện pháp cụ thể để xây dựng gia đình, bảo đảm sự phát triển bền vững của gia đình.
Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục và hôn nhân đồng giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xâm hại tình dục trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình. Tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình; tiến hành các giải pháp can thiệp nhằm giảm các yếu tố rủi ro đối với gia đình. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, phát triển các dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các gia đình; từng bước hoàn thiện chế độ chăm sóc người cao tuổi; tăng cường giáo dục, xử lý người vi phạm chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ông, bà, cha mẹ theo quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đặc biệt là xây dựng gia đình văn hóa. Vận động phong trào quần chúng chăm lo xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Xây dựng chính sách hỗ trợ và phát triển dịch vụ xã hội có liên quan đến gia đình để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.
Đưa nội dung công tác gia đình vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch hàng năm của các cấp, các ngành và của từng địa phương. Từng địa phương trình Hội đồng nhân dân quyết định các chỉ tiêu về gia đình trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và dành một phần ngân sách Nhà nước để triển khai công tác gia đình.
Chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về công tác gia đình trên toàn tỉnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phối hợp, hướng dẫn các cơ sở tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các mô hình thực hiện cuộc vận “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, mô hình “Đồng khởi, khởi nghiệp” hiện có.
Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục triển khai tuyên truyền, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.