Theo tài liệu về quan niệm của trẻ em về hình phạt trong nhà trường hiện nay (của các tác giả TS. Bùi Phương Thanh, TS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Viện Nghiên cưú Thanh niên), thì đại đa số trẻ em được hỏi đều đồng tình với việc áp dụng hình phạt, bởi đó là cách thức cần thiết để giáo dục học sinh, xong phải phù hợp với đặc điểm tâm lý của các em. Các hình phạt mang tính giáo dục, giúp các em thay đổi nhận thức là những hình phạt theo các em là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những hình phạt mang tính xúc phạm, gây bạo lực được đánh giá là không thể chấp nhận được trong môi trường học đường. Ngoài ra, các em cũng kỳ vọng, phương thức áp dụng hình phạt của các thầy cô cần phải khách quan, công bằng, đúng mức, tìm hiểu kỹ lý do trước khi áp dụng hình phạt; cần làm cho trẻ tự nhận thức về lỗi lầm của bản thân và chấp nhận nó. Đặc biệt, giáo viên cũng nên xin lỗi công khai nếu trong trường hợp trách sai các em. Từ những kết quả trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:
Đối với nhà trường
Cần đưa ra những quy định và nội dung rõ ràng về nội quy, biết sử dụng hình phạt và mức phạt đối với học sinh.
Tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về Quyền trẻ em cũng như các phương pháp kỷ luật tích cực. Ngoài ra, cần có những buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh về Quyền trẻ em và các phương pháp giáo dục không dùng đòn roi, mắng chửi.
Tạo nhiều sân chơi, diễn đàn để người lớn có thể lắng nghe ý kiến của trẻ em nói về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em. Tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào xây dựng, thiết kế những chương trình liên quan đến trẻ em.
Đối với giáo viên
Cần chủ động học tập, nâng cao kiến thức về Quyền trẻ em, phương pháp dạy học tích cực, các kỹ năng kiềm chế cảm xúc và làm việc với trẻ em.
Tạo không khí gần gũi, cởi mở để trẻ em có thể chia sẻ bày tỏ những vấn đề của trẻ được tốt hơn. Gần gũi và tìm hiểu những vấn đề của lứa tuổi thanh thiếu niên để có những can thiệp kịp thời cho các em. Thu hút các em và các hoạt động tạo điều kiện thúc đẩy quyền tham gia cho học sinh được tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của chính bản thân các em.
Đối với gia đình
Gia đình cần dành nhiều thời gian gần gũi, chia sẻ với con cái về những áp lực trong cuộc sống của tuổi mới lớn cũng như trong học tập và các vấn đề ở trường lớp để có những can thiệp kịp thời.
Cần có những biện pháp giáo dục tích cực đối với con cái thay vì roi vọt, chửi mắng. Cần tôn trọng trẻ cũng như những đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn. Khi các con mắc lỗi cần lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân trước khi đưa ra những cách thức giải quyết.
Có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý về giáo dục học sinh.
Đối với trẻ em
Tự nâng cao nhận thức về Quyền trẻ em của mình để phòng tránh bạo lực, xâm hại trong học đường.
Chủ động tham gia đối thoại, trao đổi các vấn đề của bản thân, của học sinh đối với thầy cô và các bạn trong Liên đội, Chi đội, các anh chị Đoàn thanh niên.