Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hoạt động tội phạm mua bán người đang trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Tội phạm mua bán người ở nước ta phần lớn đều do các đường dây có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước thực hiện. Tệ hơn, chính người trong gia đình cũng tham gia những đường dây phạm tội này để bán người thân ra nước ngoài. Nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh… Để hạn chế nhiều hệ luỵ mua bán người đáng tiếc từ những sự bất ổn nêu trên, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.
Ngày 04/5/2021, Ban Chỉ đạo 138/CP đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-BCĐ về triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2021.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là Triển khai quyết liệt, sâu rộng hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người – 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.
Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, chủ động phòng, ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người; phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người – 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” một cách thiết thực, hiệu quả và đảm bảo tiết kiệm.
Theo Kế hoạch sẽ có 8 nội dung công tác trọng tâm được triển khai, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống mua bán người; công tác tuyên truyền; công tác phát hiện, xử lý tội phạm; công tác giải cứu, hỗ trợ nạn nhân; công tác hợp tác quốc tế….
Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.