Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương triển khai xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ VHTTDL đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên gia, ban soạn thảo tổ biên tập và xin ý kiến của các Bộ, Ban, ngành, địa phương, đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến nhân dân.
Ngày 03/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tại hội thảo, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có thành viên ban soạn thảo dự án luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, các đại diện của Ủy ban Xã hội Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và các chuyên gia về lĩnh vực gia đình.
Hội thảo tổ chức với mục đích xin ý kiến thảo luận góp ý của các đại diện bộ ban ngành, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình. Tại hội thảo đại diện Ủy ban xã hội quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và một số chuyên gia về lĩnh vực gia đình đã tập trung thảo luận trao đổi rất sôi nổi nhất là với các nội dung quy định mới. Cụ thể như Luật sửa đổi lần này áp dụng với các trường hợp Vợ chồng kết hôn hợp pháp, vợ chồng đã ly hôn sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn; khẳng định rõ hòa giải không phải biện pháp xử lý; đưa ra 03 cấp độ hòa giải…
Cơ quan soạn thảo xin ý kiến về một số nội dung: quy định tính nêu gương đối với Đảng viên, công chức, viên chức; người có hành vi bạo lực gia đình phải học một số quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình; người nghiện rượu, bia gây bạo lực gia đình phải thực hiện cai nghiện rượu, bia tự nguyện hoặc bắt buộc; xử lý người dung túng, bao che cho hành vi bạo lực gia đình; quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống bạo lực gia đình là giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục bất cập từ sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của một số bộ phận trong đó có người đứng đầu đối với công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh vấn đề khó nhất đặt ra đối với Ban soạn thảo, Tổ biên tập đó là làm sao tiếp thu được kinh nghiệm quốc tế để cụ thể hóa vào quan điểm, chính sách đối với phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam. Đặc biệt chú trọng tới các nền văn hóa truyền thống, làm sao để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khi được ban hành có sự thống nhất với các quy định và các văn bản pháp luật hiện hành.
Xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần xác định là rất khó khăn, vì vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng dự thảo Luật một cách thận trọng, tổ chức thực hiện lấy ý kiến rộng rãi nhiều lần với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là tham vấn rất nhiều các chuyên gia có quá trình gắn bó với việc nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Sau hội thảo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp thẳng thắn và trách nhiệm của các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật phòng chống bạo gia đình (sửa đổi).