Ngày 05 tháng 12 năm 2019 Viện Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo “Hôn nhân và Gia đình ở Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2019 và những vấn đề chính sách đặt ra”
Chủ trì hội thảo : Bà Lê Thị Nguyệt- Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, PGS.TS Trần Thị Minh Thi- Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới; Gs.TS Nguyễn Hữu Minh; TS Trần Tuyết Ánh- Vụ trưởng Vụ Gia đình.
Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý và các báo chí.
Hội thảo đã đề xuất các khuyến nghị cần quan tâm về hôn nhân, gia đình, ly hôn, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người cao tuổi… Tuy nhiên, một trong những vấn đề trọng tâm mà các đại biểu đặt ra hiện nay đó là bên cạnh sự tích cực của hôn nhân gia đình thì đôi khi chính gia đình lại là rào cản lớn của phụ nữ và trẻ em gái. Sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử và bất lợi mà phụ nữ và trẻ em gái có thể gặp phải trong cuộc sống gia đình và các mối quan hệ vốn không phải là lẽ tự nhiên và cũng không phải là điều không thể tránh khỏi. Do đó, thách thức cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội và người dân trong mọi tầng lớp, đó là biến gia đình thành nơi bình đẳng và công bằng, là nền tảng để phụ nữ và trẻ em gái có thể thực hiện quyền của mình.
Hội thảo cũng đưa ra một số giải pháp: cần quan tâm ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng xây dựng cuộc sống hài hòa vợ, chồng, đặc biệt quan tâm đến đời sống tình cảm; Tăng cường giáo dục trước hôn nhân với kiến thức về tình bạn, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản, điều kiện kết hôn, quan hệ vợ chồng… Thực hiện các hoạt động nâng cao cơ hội và khả năng tiếp cận để cải thiện các nguồn lực cho phụ nữ như vấn đề có việc làm, nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ; Phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống gia đình; Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình của người di cư lao động; Có biện pháp đẩy mạnh công tác PCBLGĐ với chế tài cụ thể; Hoàn thiện các mô hình PCBLGĐ…