Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã xây dựng Báo cáo số 1255/BC-SVHTTDL về việc báo cáo Kết quả 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Từ năm 2010, Sở VHTTDL triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” tại xã Thượng Đạt và xã An Châu (thành phố Hải Dương). Qua một năm triển khai mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, năm 2011, đã nhân rộng 06 mô hình tại các xã, cụ thể: xã Liên Hoà, huyện Kim Thành; xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc; xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà; xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang; Thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn (nay là phường An Lưu, thị xã Kinh Môn) và Phường Văn An, Thị xã Chí Linh ( nay là thành phố Chí Linh) mỗi mô hình gồm 05 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững. Các mô hình sinh hoạt mỗi tháng một lần, gắn nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam với nội dung các phong trào trong các buổi sinh hoạt thôn, khu dân cư và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Trong 2 năm 2011-2012, đã hỗ trợ cho 8 mô hình điểm của đề án 144 triệu đồng.
Từ hiệu quả của việc triển khai thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã chủ động nhân rộng nhiều mô hình điểm trên các địa bàn (ngoài các địa bàn hoạt động bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh). Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh đã triển khai duy trì và nhân rộng được trên 237 mô hình điểm lồng ghép tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), xây dựng gia đình hạnh phúc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Tổ chức chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhân ngày 25/11/2013: Tổ chức mít tinh và triển lãm tranh “Nước mắt cười” về bình đẳng giới và PCBLGĐ với sự tham gia của hàng nghìn người; Tổ chức thành công các cuộc thi: Liên hoan tiếng hát ru tỉnh Hải Dương(năm 2013), Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút sự tham gia của 215.000 người, trong đó có tới trên 80% người dự thi là phụ nữ (năm 2014); Hội thi Đàn ông xây tổ ấm (năm 2015); Sáng tác kịch bản tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2019) nhằm lồng ghép truyền tải thông điệp về giáo dục đạo đức trong gia đình đến đông đảo người dân.
Biên soạn và phát hành được 5.000 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và 2.500 cuốn “Hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”; xuất bản 1.800 cuốn sách “Cẩm nang phòng chống bạo lực gia đình”, in 6.025 tờ poster, 25.725 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; 26.640 tờ rơi tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phát cho các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; in 1.540 tập kịch bản tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình để làm tư liệu sinh hoạt cho các Câu lạc bộ (CLB) truyền thông lồng ghép, CLB PCBLGĐ, bình đẳng giới tại các cơ sở.
Xây dựng chuyên mục về nếp sống văn hóa, gia đình trên đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương phát sóng hàng tuần. Phối hợp tổ chức Gameshow Gia đình yêu thương năm 2020 phát 1 số/ tháng nhằm tạo sân chơi bổ ích, gắn kết yêu thương giữa các thành viên gia đình, thúc đẩy việc tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình hiệu quả.
Các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; phổ biến các văn bản, kiến thức về gia đình thông qua hệ thống đài phát thanh, loa truyền thanh, các hình thức tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu, tổ chức các hoạt động truyền thông nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ…..
Trong giai đoạn 2010 – 2020, tổ chức 14 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình cho 3.250 người có lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho đối tượng là cán bộ theo dõi công tác gia đình cấp tỉnh, cấp huyện, cấp sơ sở tham gia. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình, các thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức lối sống, cách
ứng xử trong gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được của đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam còn có những khó khăn hạn chế như: Công tác tuyên truyền tuy đã được đẩy mạnh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc tuyên truyền ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn; một số gia đình chưa nhận thức hết được vai trò tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Do nhận thức về giới và bình đẳng giới còn hạn chế; quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ”; tư tưởng gia trưởng, gia quyền còn nặng nề; sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước nạn bạo hành gia đình với tính cam chịu vẫn chưa được xóa bỏ. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động công tác gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu. Tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền còn thiếu, trong khi đó trình độ của cán bộ cơ sở chưa đồng đều.