Nếu như Luật PCBLGĐ năm 2007 không quy định nội dung giải thích từ ngữ, thì trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang dự kiến có nội dung giải thích từ ngữ (Trong luật này những từ ngữ sau đây được hiểu như sau), bao gồm:
1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.
2. Bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình là bạo lực giữa các thành viên trong gia đình với nhau dựa trên cơ sở giới tính, bao gồm các hành động và đe dọa dẫn đến hành động gây ra tổn hại về thể chất, kinh tế, tâm lý và tình dục, sự kiểm soát và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của thành viên trong gia đình.
3. Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm hành vi bạo lực gia đình và hành vi dung túng, bao che vụ việc bạo lực gia đình, lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi.
4. Người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình bao gồm:
a) Người đã từng có hành vi bạo lực gia đình;
b) Người nghiện rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác;
c) Người đánh bạc, nghiện game.
5. Cấm tiếp xúc là biện pháp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Tòa án nhân dân áp dụng nhằm ngăn chặn người có hành vi bạo lực gia đình tiếp cận người bị bạo lực để thực hiện hành vi bạo lực hoặc sử dụng công cụ, phương tiện hỗ trợ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
6. Hỗ trợ khẩn cấp trong phòng, chống bạo lực gia đình là hành động của tổ chức, cá nhân nhằm trợ giúp cho người bị bạo lực những nhu yếu phẩm, chỗ ở an toàn.
7. Trục lợi trong phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thu lợi bất chính hoặc đẩy người bị bạo lực gia đình vào tình trạng bị lệ thuộc để ép buộc người bị bạo lực phải phục tùng.
8. Hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng đang sống chung và có quỹ chi tiêu chung.
9. Mâu thuẫn trong gia đình là sự khác biệt về nhận thức, lối sống, thói quen, sở thích giữa các thành viên dẫn đến đối lập, không thống nhất.
10. Tranh chấp trong gia đình là sự tranh giành về quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình.
11. Hòa giải là hoạt động phòng ngừa nhằm hạn chế nguy cơ mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến bạo lực; hỗ trợ xử lý vụ việc bạo lực gia đình; phòng ngừa bạo lực tái diễn sau khi người có hành vi bạo lực đã bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
12. Dung túng, bao che trong phòng, chống bạo lực gia đình được hiểu là:
a) Chứng kiến vụ việc bạo lực gia đình nhưng không báo tin cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
b) Có khả năng ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình mà không tham gia ngăn chặn;
c) Kích động, xúi giục, giúp sức hành vi bạo lực gia đình;
d) Cung cấp thông tin sai lệch về vụ việc bạo lực gia đình;
đ) Tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình nhưng không xử lý hoặc xử lý không đúng với tính chất của hành vi bạo lực;
e) Không vào sổ theo dõi tình hình bạo lực gia đình ở địa phương và không tổ chức các biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Luật này.
13. Xác minh tin báo về vụ việc bạo lực gia đình là yêu cầu bắt buộc đối với người có thẩm quyền nhằm kiểm tra tính xác thực của thông tin, đánh giá tính chất của vụ việc bạo lực gia đình để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
14. Sàng lọc vụ bạo lực gia đình là xem xét phân loại vụ bạo lực gia đình, hành vi bạo lực và mức độ người bị bạo lực gia đình tổn thương để có biện pháp xử lý thích hợp. 15. Làm lộ thông tin về bạo lực gia đình là hành vi khiến cho những người không có trách nhiệm xử lý vụ việc bạo lực gia đình biết thông tin.
16. Phát tán thông tin về người bị bạo lực gia đình là hành vi truyền bá thông tin về thân nhân, chỗ ở, nơi làm việc của người bị bạo lực khi chưa được sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật.
17. Nhạy cảm giới trong phòng, chống bạo lực gia đình là nhận thức về sự khác biệt về giới trong khi áp dụng các biện pháp xử lý, can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Đây là các nội dung dự kiến cần làm rõ trong Luật PCBLGĐ (sửa đổi) là cơ sở để thực thi có hiệu quả sau khi được thông qua.