Ngày 17 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã xây dựng Báo cáo số 232/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, đã phát huy được hiệu quả, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và duy trì, nhân rộng; hoạt động truyền thông được nâng cao, đối tượng truyền thông cho nhóm nam giới có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, giáo dục về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, kiến thức bảo vệ thai sản, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phổ biến quyền cho phụ nữ và trẻ em gái biết kỹ năng tự bảo vệ mình tránh nguy cơ bị xâm hại… Phụ nữ đã mạnh dạn hơn trong việc đóng góp ý kiến với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi xảy ra bạo lực tại gia đình.
So với thời điểm trước khi ban hành thì nhận thức của cán bộ và Nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể, những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương. Số vụ bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt, năm 2010 toàn tỉnh có 3.000 vụ bạo lực gia đình, đến cuối năm 2019 chỉ còn 169 vụ. Nhờ làm tốt công tác gia đình nên tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2010 công nhận 170.032/288.141 gia đình văn hoá, đạt 60%; năm 2015 có 231.913/325.176 gia đình văn hóa đạt 71,32%; đến cuối năm 2019 có 274.924/346.856 gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 79,3%, (tăng 19,3%). Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những tiêu chuẩn, hạt nhân cơ bản tạo tiền đề để xây dựng thôn, làng, khu phố văn hóa, năm 2010 có 721/2.122 thôn, làng, tổ dân phố (đạt 34%), năm 2015 có 1.484/2.161 thôn làng, tổ dân phố văn hoá (đạt 68,67%), đến cuối năm 2019 có 1.277/1.605 thôn, làng tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá đạt tỷ lệ 79,6% (tăng 45,6%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình còn có những khó khăn, hạn chế như: Công tác gia đình trong những năm gần đây đã có những bước phát triển rõ rệt, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân được chú trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc tuyên truyền ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, một bộ phận lớp trẻ có dấu hiệu xuống cấp về đạo đức, lối sống. Việc tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động của các CLB, Nhóm phòng chống BLGĐ chủ yếu là tự nguyện, nguồn kinh phí không có. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm, nên việc triển khai các văn bản pháp luật về gia đình chưa sâu sát.