Cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam
Để gia đình thực sự gia đình là hạt nhân, tế bào của xã hội và làm tốt, vai trò và trách nhiệm trong tạo môi trường, giáo dục thế hệ trẻ từ lúc mới chào đời và giúp các em tiếp cận với thế giới bên ngoài thông qua mối quan hệ, phối hợp giữa nhà trường và xã hội, theo đó, cần thiết thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, cụ thể: Đẩy mạnh giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; kỹ năng sống (kỹ năng làm cha, mẹ, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em); trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.
+ Các biện pháp giáo dục trong gia đình cần được quan tâm thực hiện
Giáo dục các em thông qua truyền thống gia đình
Giáo dục truyền thống gia đình tạo cho các em niềm tự hào về gia đình và dòng họ: gia đình có nhiều người thành đạt, gia đình có nề nếp, gia phong, gia đạo và cách sống tốt đẹp. Phải dùng truyền thống gia đình và dòng họ làm nền tảng để các em học theo, rèn luyện và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Giáo dục bằng nêu gương
Đó là biện pháp giáo dục bằng cách thông qua những tấm gương sáng trong gia đình của ông bà, cha mẹ, anh em…, trẻ em lớn lên và được tiếp nhận cách sống, ứng xử của những người xung quanh, trẻ em sẽ bắt chước học theo từ đó hình thành nhân cách tốt qua trải nghiệm thực tế. Bản thân, những người lớn tuổi trong gia đình cần phải làm gương cho con trẻ, để con trẻ noi theo. Cách giáo dục này mang lại cho trẻ em cách sống, làm việc theo gương tốt của gia đình và chuẩn mực của xã hội.
Tổ chức các hoạt động hợp lý trong gia đình
Các loại hình hoạt động ở gia đình rất đa dạng và phong phú, đó là các buổi sinh hoạt gia đình, hoạt động lao động, học tập, hoạt động vui chơi giải trí, du lịch, giao lưu, thăm hỏi họ hàng… Qua các hoạt động này giúp trẻ em gắn bó với gia đình, tạo ra hứng thú trong cuộc sống, biết chia sẻ, tâm sự, cũng từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, xử lý các tình huống phù hợp với gia đình, xã hội trong thời kỳ mới. Qua đó giúp các em phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế của bản thân để hòa nhập tốt với xã hội.
Kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội
Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ đạt kết quả cao hơn, bên cạnh vai trò của gia đình, cần có sự gắn kết với nhà trường và toàn xã hội. Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc gắn kết giữa các chủ thể nêu trên ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng sự hình thành giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh trong thế hệ trẻ; nhà trường giữ vai trò cung cấp kiến thức và giáo dục định hướng, uốn nắn những hành vi của các em theo chuẩn mực chung.
Cần thiết phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành
Đối với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, với chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực gia đình, nhằm thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, thời gian qua, Bộ đã triển khai các chương trình với chủ đề xuyên suốt từ năm 2014 về công tác gia đình: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Bộ đã đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình về giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 (Quyết định số 1028/QĐ-TTg, ngày 08/6/2016). Bộ cũng ban hành theo thẩm quyền Đề án giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (Quyết định số 3391/QĐ-BVHTTDL, năm 2009); Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2018, trong đó nêu mối quan hệ ứng xử của tầng lớp thanh, thiếu nhi với ông, bà và với cha, mẹ.
Nội dung tuyên truyền tập trung nhấn mạnh vào các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp, lối sống lành mạnh, theo chuẩn mực đạo đức xã hội và phù hợp với sự phát triển của kinh tế – xã hội cho các thành viên trong gia đình. Từ đó làm nền tảng để thế hệ trẻ hình thành những giá trị cốt lõi của mình, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Bộ đã tổng kết các văn bản này và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021 Chương trình quốc gia truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.
Tóm lại, việc giáo dục thế hệ trẻ trưởng thành, có nhân cách tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội là một việc khó khăn, không phải một sớm một chiều, không phải trách nhiệm của riêng một cá nhân và tổ chức mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thông qua việc nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, phát huy vai trò trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội vào cuộc, tham gia với chức năng nhiệm vụ của mình, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tạo môi trường phù hợp nhằm giáo dục thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay.