Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, với hơn 30 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng, chiếm 43,19%; Tày, chiếm 34,58%; Kinh, chiếm 16,1%; Dao, chiếm 3,91%; Hoa, chiếm 0,33%; Sán Chay, chiếm 0,40%; Mông, chiếm 0,1%; các dân tộc khác, chiếm 0,08%. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số ít người như: Dao, Mông, Sán Chay chủ yếu ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, tỉnh. Các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Hoa… thường sinh sống xen canh, xen cư với cộng đồng các dân tộc khác. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên trong gia đình, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Hoạt động quản lý nhà nước về gia đình còn nhiều bất cập vì có nhiều cơ quan cùng thực hiện. Ảnh hưởng một số phong tục, tập tục, thói quen dân tộc ảnh hưởng tới đời sống, văn hóa gia đình.
Giải pháp trong xây dựng gia đình hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là:
Đối với Tỉnh
Tiếp tục chỉ đạo quán triệt thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách luật pháp của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác gia đình. Cụ thể hóa lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của đảng viên, quần chúng và Nhân dân về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác gia đình, gắn công tác xây dựng gia đình với chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gắn các chỉ tiêu về gia đình với các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cơ sở; lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình xây dựng nông thôn mới. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chăm lo xây dựng gia đình văn hoá và vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện.
Tăng cường quản lý nhà nước về gia đình; kiện toàn cơ quan chuyên trách làm công tác gia đình các cấp. Xây dựng hệ thống cộng tác viên thực hiện công tác gia đình tại cơ sở. Nâng cao năng lực, trang bị những kiến thức về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về gia đình. Ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài tác động vào gia đình.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho độ tuổi lao động để có thu nhập ổn định, đóng góp cho kinh tế gia đình, khuyến khích làm giàu chính đáng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Có chế độ, chính sách, quy định cụ thể tạo điều kiện cho mọi thành viên của gia đình được hưởng thụ các phúc lợi vật chất, tinh thần. Phát triển các dịch vụ xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều thành tích trong lĩnh vực gia đình. Khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước vào việc hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các dòng họ, cá nhân vào việc hỗ trợ tạo điều kiện giúp cho các gia đình nâng cao nhận thức, có thêm điều kiện tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc
Đối với tổ chức Hội
Thứ nhất: Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong toàn tỉnh. Quan tâm tăng cường tới các địa bàn vùng cao, vùng sâu, đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều vấn đề đặt ra như tảo hôn, ly hôn, bạo lực gia đình, tện nạn xã hội..
Thứ hai: Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, ứng xử trong gia đình, kiến thức nuôi dạy con khoa học gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017- 2027’’.
Thứ ba: Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai thực hiện chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, việc tổ chức triển khai các hoạt động tại cơ sở, nắm bắt những vấn đề vướng mắc, tồn tại giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, định hướng chỉ đạo kịp thời đạt hiệu quả.
Thứ tư: Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tổ chức các hoạt động về công tác gia đình; công tác tư vấn, hòa giải, đặc biệt quan tâm năm bắt kịp thời và phối hợp lên tiếng, giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Thứ năm: Duy trì và nhân rộng các mô hình về gia đình đang hoạt động; tiếp tục xây dựng các mô hình mới phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa bàn cơ sở, nhu cầu của hội viên, phụ nữ và người dân. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ sáu: Đa dạng hóa các kênh truyền thông, đặc biệt là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, sân khấu hóa, thiết kế tài liệu tờ rơi dễ hiểu, dễ sử dụng; coi trọng, quan tâm biểu dương động viên các gia đình gương mẫu, tiểu biểu tại cộng đồng, tập thể thôn bản khối phố văn hóa, văn minh nhiều năm liên tục.