Xác định tư vấn về phòng, chống BLGĐ có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”, do vậy cần rà soát, bổ sung nội dung tư vấn; bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn bao gồm “người có hành vi BLGĐ”, “người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực” và “người chuẩn bị kết hôn”; rà soát thể hiện lại nội dung cho phù hợp với một số luật có liên quan.
Bổ sung quy định giao Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLGĐ cho người thực hiện tư vấn ở cộng đồng. Ngoài ra, để các hoạt động tư vấn phòng, chống BLGĐ dần chuyên nghiệp, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về tiêu chuẩn của tư vấn viên tại Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGĐ; bổ sung quy định đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống BLGĐ là một nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ.
Về hòa giải, Luật sửa đổi nên xây dựng các quy định về hòa giải dựa trên cách tiếp cận không xem hòa giải là biện pháp thay thế các biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ mà là biện pháp ngăn ngừa bạo lực nảy sinh hoặc tái diễn. Biện pháp hòa giải trong dự thảo Luật nằm trong tổng thể các biện pháp PCBLGĐ, nhất quán với nguyên tắc lấy người bị BLGĐ làm trung tâm. Bên cạnh đó, cần quy định rõ việc khi nào xử lý bằng hòa giải và khi nào cần các biện pháp can thiệp khác; bổ sung các điều kiện để bảo đảm cho công tác hòa giải; đối với những trường hợp bạo hành trẻ em mà đến mức phải xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính thì không áp dụng hòa giải đối mà cần có biện pháp khác.