Truyền thông cần thực hiện ở các cấp, song đặc biệt chú ý đến truyền thông đại chúng và các kênh thông tin với chức năng xã hội hóa. Mục tiêu đặt ra là các hình ảnh và thông điệp trên phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là truyền hình, có tác dụng lên án các hành vi vi phạm nhân phẩm đối với phụ nữ, loại bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới, và phê phán các yếu tố dẫn đến bạo lực. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền ở cơ sở thông qua các hình thức phù hợp, với các thông điệp nhấn mạnh tới quyền và việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em nói chung. Cần kết hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Mỗi gia đình phải là đơn vị giáo dục đầu tiên về vai trò của các thành viên, quyền của phụ nữ và trẻ em, các nguyên tắc ứng xử, các chuẩn mực gia đình, trong đó nhận thức và phòng tránh các hành vi bạo lực là một nội dung quan trọng.
Đối tượng tuyên truyền cần được mở rộng, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới, ở tất cả các nhóm tuổi, các nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt cần phải bắt đầu từ những thanh niên chưa lập gia đình.