Về tính thống nhất, đồng bộ của văn bản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bám sát các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng được thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập. Thành viên Ban soạn thảo là lãnh đạo cấp Vụ và chuyên viên chuyên môn thuộc các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội cùng các nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu. Dự thảo các văn bản được tổ chức họp lấy ý kiến trực tiếp của các cơ quan thuộc các tỉnh, thành và lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức đăng trên Cổng thông tin điện tử lấy ý kiến toàn dân theo quy định. Các văn bản do Chính phủ ban hành còn được Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành. Do vậy, các văn bản này đảm bảo theo đúng quy trình ban hành văn bản hiện hành.
Việc phối hợp với các Bộ, ngành thông qua Ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo văn bản còn đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản được quy định thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành (các thành viên được giao trách nhiệm rà soát các quy định trong văn bản với những quy định của cơ quan, tổ chức thành viên đang công tác). Ngoài ra, cơ quan soạn thảo còn lấy ý kiến góp ý bằng văn bản trước khi ban hành. Cơ quan soạn thảo căn cứ vào ý kiến của các cơ quan hoàn thiện dự thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Do vậy, các văn bản được ban hành đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản có hiệu lực trước thời điểm ban hành văn bản.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá về Luật và những văn bản hướng dẫn thi hành so với Hiến pháp 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào kế hoạch rà soát để có căn cứ kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, việc rà soát sẽ được thực hiện vào năm 2019 trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật dự kiến vào tháng 11 năm 2018.
Về tính khả thi của văn bản: Tính đến thời điểm hiện tại, về cơ bản những văn bản được ban hành có tính khả thi và đã phát huy hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, một số văn bản trong quá trình triển khai hiện đang vướng mắc do những quy định ràng buộc của văn bản liên quan dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai. Ví dụ, như khi xây dựng Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Cơ quan soạn thảo và các chuyên gia thuộc các Bộ, ngành đã xác định những bất cập trong xử lý vi phạm đặc biệt là biện pháp phạt tiền đối với người gây bạo lực gia đình. Song, cơ quan soạn thảo không thể tham mưu Chính phủ quy định khác do Luật và những văn bản Luật khác không cho phép. Vì vậy, khi quy định đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật thì tính khả thi thấp, nhưng nếu quy định để văn bản có tính khả thi cao khi xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì trái với pháp luật khung. Hoặc quy định về chính sách đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, quy định của Luật trực tiếp chung chung, trong khi Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn nội dung này cũng chỉ theo thẩm quyền và có những vấn đề đặc thù vượt thẩm quyền dẫn đến hiệu quả triển khai một số điều khoản về vấn đề này chưa khuyến khích được tổ chức, cá nhân tham gia.