Trong những năm qua, Sở đã tham mưu lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản về triển khai Kế hoạch Bình đẳng giới của ngành; Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Năm 2010, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố triển khai thí điểm Mô hình PCBLGĐ tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu trong 3 năm, sau đó tiếp tục nhân rộng mô hình PCBLGĐ trên địa bàn toàn thành phố, đến nay 56/56 phường, xã có mô hình PCBLGĐ và tiếp tục duy trì các hoạt động tuyên truyền tại các tổ dân phố/thôn. Đặc biệt, các phường, xã đã xây dựng đường dây nóng và địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình. Trong Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, Sở đã tổ chức 57 buổi truyền thông về giáo dục đạo đứ gia đình, truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình cho các hộ gia đình tại khu dân cư thuộc địa bàn 7 quận, huyện; từ năm 2011 đến nay, ngành tổ chức treo hàng ngàn phướn tuyên truyền trên các tuyến đường của thành phố. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả như sau:
Đối với Chỉ tiêu 1: Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020.
Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành Kế hoạch số 471/KH-SVHTT ngày 7/9/2018 về khảo sát “Thời gian tham gia công việc gia đình của phụ nữ so với nam giới” với 800 đối tượng đã có gia đình sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (bao gồm 400 người phụ nữ và 400 người là chồng của họ). Kết quả khảo sát cho biết hiện nay thời gian làm việc nhà của phụ nữ trung bình là 3 giờ/ngày, cao gấp 3 lần so với nam giới. Để giảm thời gian làm việc nhà của phụ nữ so với nam giới trên địa bàn TP Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng các sở, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, nhất là nội dung bình đẳng giới trong gia đình bằng nhiều hình thức đến mọi đối tượng trong xã hội, chú trọng là nam giới. Đồng thời, đưa nội dung giáo dục về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong gia đình vào chương trình ngoại khóa của ngành giáo dục để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên làm tiền đề cho việc chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới từ sớm. Phát triển dịch vụ công liên quan đến gia đình nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tiếp cận và sử dụng khi có nhu cầu.
Đối với Chỉ tiêu 2: Đến năm 2020 có ít nhất 100% số nạn nhân của BLGĐ được phát hiện được tư vấn tâm lý, pháp lý, được hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ và đạt 85% số người gây BLGĐ được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn tại các cơ sở trợ giúp về PCBLGĐ. Theo thống kê, 100% nạn nhân được tư vấn tâm lý, pháp lý, được hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2011-2019. Bên cạnh đó, số đối tượng gây ra bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn tại các cơ sở trợ giúp về PCBLGĐ có xu hướng tăng (năm 2011-2015 đạt 80%; năm 2016-2017 đạt 85%; năm 2018 đạt 85%; năm 2019 đạt 100%; đầu năm 2020 đạt 100%).
Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổ chức truyền thông về bình đẳng giới trong gia đình cho các hộ gia đình tại các phường trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về các nội dung bình đẳng giới trong gia đình, PCBLGĐ, tuyên truyền giáo dục đạo đức trong gia đình cho các phường, xã. Đồng thời, xây dựng tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về ứng xử trong gia đình.