Phát biểu tại Lễ công bố, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên có một bản báo cáo tổng quát về bình đẳng giới được thực hiện ở Việt Nam. Báo cáo áp dụng lăng kính rộng hơn về bình đẳng giới bao gồm các thảo luận về tính đa dạng giới, xu hướng tình dục, đồng thời nhấn mạnh dữ liệu liên quan đến các vấn đề mang tính liên tầng như dân tộc, tình trạng khuyết tật, độ tuổi…
“Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới, hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể”, bà Elisa Fernandez Saenz kêu gọi.
Theo Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, từ năm 2000, Việt Nam đã tiến hành đánh giá quốc gia về giới 5 năm một lần. Nỗ lực liên ngành này nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể về những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được đối với các dữ liệu chính về bình đẳng giới cũng như đưa ra các phân tích, khuyến nghị để giải quyết các rào cản đối với tiến bộ cũng như thu hẹp khoảng cách về giới.
Mỗi báo cáo riêng lẻ đã xác định các vấn đề hoặc chênh lệch về giới trong các lĩnh vực báo cáo điều tra – từ quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông và kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư, biến đổi khí hậu.
“Từ báo cáo hằng năm này, rõ ràng bình đẳng giới là cốt lõi của bình đẳng thực sự, bền vững và tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.
Báo cáo là một nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ lồng ghép giới trong quá trình chuẩn bị Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDCF) cho giai đoạn 2022-2027. Đối với các đối tác phát triển khác và các bên liên quan làm việc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bản Báo cáo được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một kim chỉ nam hữu ích để giám sát tiến độ thực hiên Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua lăng kính đáp ứng giới.