Về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể về xã hội hóa để bảo đảm tính khả thi, có quy định về nguyên tắc tài chính để khắc phục được những hạn chế hiện nay, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước về bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng:
(1) Bổ sung các quy định thể hiện nội dung xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình như: khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, tài trợ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương, khen thưởng, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 2 và khoản 4 Điều 6); khuyến khích người được đào tạo về công tác xã hội, tâm lý, người có kinh nghiệm tham gia các hoạt động hòa giải phòng ngừa bạo lực gia đình (khoản 5 Điều 18); khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho người bị bạo lực gia đình (điểm b khoản 2 Điều 30); cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động không vì mục đích lợi nhuận được ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (Điều 40).
(2) Bổ sung quy định “ngân sách nhà nước cho phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình” (khoản 2 Điều 42) và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật này (khoản 3 Điều 50).