Nhà là nơi để trở về, là nơi để những đứa trẻ được ôm ấp, che chở và yêu thương. Nhưng có những đứa trẻ không ít lần khóc nức nở, tủi thân và cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.
Giáo sư Peck Cho đến từ Trường Đại học Hàn Quốc cho biết, có một nghiên cứu mới công bố gần đây có tên là “Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu” cho biết khi những đứa trẻ có trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu, không phải 1,2 lần mà nhiều lần, thì nó khiến cho bộ não của trẻ không hoạt động một cách bình thường, mang đến những hậu quả tiêu cực và tăng tỷ lệ tự tử trong tương lai.
Ngược lại, những đứa trẻ được sống trong môi trường có kết nối và hỗ trợ về cảm xúc sẽ có thành tích học tập và tạo dựng mối quan hệ tốt hơn. Hai điều đó sẽ làm nên thành công cho trẻ trong trường học, và đó cũng là tiền đề cho trẻ thành công trong cuộc sống.
Mong con quen với áp lực từ nhỏ để lớn lên ra đời không bị “bỡ ngỡ”, nhiều cha mẹ đã chọn cách nghiêm khắc với con mà không hề hay biết rằng cách làm này đang đẩy con ra xa hơn với mình. Trẻ con cũng có những suy nghĩ, có sự am hiểu và biết rất nhiều điều. Những đứa trẻ cũng có tâm tư và cảm xúc rất riêng và chúng cũng đang từng ngày đấu tranh và vật lộn với rất nhiều những cảm xúc hỗn độn đó giống như người lớn. Thậm chí, trẻ con còn phải tự ôm một nỗi buồn của riêng mình khi những đấu tranh đó lại không được cha mẹ mình thấu hiểu.
Vậy nên, cha mẹ hãy lắng nghe con, hãy nhìn con hãy cùng con và quan tâm, chia sẻ với con, để Nhà luôn là nơi trái tim thuộc về!