Ngay sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành, nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức phổ biến, quán triệt Luật, các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của địa phương.
Từ năm 2008 – 2018, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các sở, ban, ngành tỉnh Điện Biên đã ban hành 04 quyết định, 23 kế hoạch và 76 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Công tác truyền thông đại chúng được các sở, ban, ngành là thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện thông qua các hoạt động của ngành bằng nhiều hình thức phong phú như: Phát tờ rơi, xuất bản sách, tập huấn, tọa đàm, Hội thảo, băng zôn, áp phich, Hội thi, website; lồng ghép nội dung Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình tuyên truyền, cổ động, triển lãm, sách, báo, tin ảnh…
Tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 912 địa chỉ tin cậy, trong đó có 307 địa chỉ tin cậy do các cơ sở Hội thành lập tại 130 xã, phường, thị trấn. Các địa chỉ tin cậy hoạt động tương đối hiệu quả, nhanh chóng can thiệp giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn, đồng thời phát huy được khả năng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về pháp luật của Nhà nước.
Do công tác phòng, chống bạo lực gia đình được tiến hành đồng bộ với nhiều biện pháp: Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng; góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư, tư vấn, hóa giải… nên số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể.
Nếu năm 2009 xảy ra 798 vụ Bạo lực gia đình trong đó bạo lực đối với người già 135 vụ, đối với phụ nữ 379 vụ, đối với trẻ em 284 vụ thì đến năm 2018 số vụ bạo lực gia đình giảm còn 54 vụ (trong đó bạo lực đối với người già là 03 vụ, đối với phụ nữ 44 vụ, trẻ em 01 vụ, đối với nam giới 06 vụ).
Người gây bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới, chiếm 92% tổng số vụ bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực thể chất và bạo lực về tinh thần, ngoài ra còn bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.
Từ năm 2009 cho đến nay, trên địa bàn thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước xảy ra 157 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân là nữ giới từ 26-59 tuổi là 155 vụ, trẻ em là 2 vụ; số vụ bạo lực hàng năm giảm dần, năm 2009 có 54 vụ, năm 2012 có 16 vụ, năm 2014 có 8 vụ (trong đó 07 vụ là bạo lực về kinh tế, 01 vụ bạo lực về tinh thần), đến năm 2018 có 05 vụ bạo lực gia đình.
Một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực trong công tác phòng, chống bạo lực tinh thần là xây dựng những mô hình, CLB và địa chỉ tin cậy. Hiện, trên địa bàn thị xã đã xây dựng được 42 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 07 cơ sở y tế khám chữa bệnh và nhà tạm lánh cho nạn nhân bạo lực tinh thần, 30 nhóm bạo lực tinh thần, 4 CLB gia đình phát triển bền vững, 30 tổ tư vấn về gia đình và bạo lực tinh thần, 7 CLB gia đình hạnh phúc.
Trong 10 năm triển khai thi hành Luật, trên địa bàn huyện Bình Liêu, Quảng Ninh xảy ra 35 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực tinh thần là 7 vụ, bạo lực thân thể là 27 vụ, 01 vụ bạo lực tình dục. Những vụ bạo lực gia đình đã được các cấp, các ngành, tổ hòa giải cơ sở phát hiện, can thiệp, tư vấn, xử lí kịp thời.
Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình cũng được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn, đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 8 địa chỉ tin cậy, 104 tổ hòa giải ở thôn, bản, khu phố, những mô hình này đã giúp cho công tác hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình được kịp thời.
Trong 10 năm qua huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt Luật, các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, công tác phòng chống bạo lực gia đình tới các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị xã, thị trấn và 104 thôn, bản trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, tổ chức đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, giáo dục các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình và Luật phòng chống bạo lực gia đình.
Qua 10 năm triển khai thực hiện luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định, các cấp các ngành và các địa phương ngày càng quan tâm, được nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực; nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình của người dân được nâng lên, tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể; các mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì có chất lượng và đang được nhân rộng, đây là một trong những tác nhân góp phần ổn định xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, làm cho chất lượng cuộc sống của các cá nhân và gia đình được cải thiện.
nguồn hoinongdan.org.vn